Phát huy nguồn lực văn hóa phát triển Thủ đô * Bài 4: Truyền thống hài hòa với hiện đại
Trong quá trình tái thiết đô thị, thành phố Hà Nội vẫn giữ quan điểm bảo tồn các giá trị văn hóa cũ hài hòa với hiện đại.
TTXVN - Hà Nội vừa mang trong mình sự sôi động của thành phố hiện đại nhưng vừa có sự hiền hòa, trầm lắng của một Thủ đô văn hiến. Hà Nội đang sở hữu một đô thị cổ là Phố cổ Hà Nội cùng dấu tích văn hóa Thăng Long và những khu phố cũ mang kiến trúc Pháp. Đó là những yếu tố tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội và ngày nay trong quá trình tái thiết đô thị, thành phố vẫn giữ quan điểm bảo tồn các giá trị văn hóa cũ hài hòa với hiện đại.
Giữ gìn các giá trị di sản
Hà Nội là đô thị có quá trình phát triển lâu dài, quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất cả nước với hàng nghìn di tích, kèm theo đó là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, nhiều di sản có giá trị đặc biệt như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò… cùng hàng loạt đền, chùa, miếu cũng như di tích cách mạng khác. Đa dạng về niên đại, hình thái kiến trúc, cảnh quan và phân bố rộng khắp trên địa bàn, quỹ di sản không chỉ tạo nên đặc trưng của đô thị Hà Nội mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Thủ đô. Trong quy hoạch và tái thiết đô thị, giữ gìn các giá trị cũ luôn đặt ra với việc ưu tiên hàng đầu.
Khu Phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu 36 phố phường - nơi chứa đựng hệ thống di sản văn hóa với đầy đủ loại hình tôn giáo, tín ngưỡng và các giá trị phi vật thể phong phú. Quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu Phố cổ Hà Nội nhằm bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy giá trị của di tích lịch sử quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững khu Phố cổ Hà Nội.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, quy chế là cơ sở để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, cải tạo chỉnh trang theo đúng các quy định. Quận Hoàn Kiếm luôn xác định giữ gìn và phát huy di sản là nhiệm vụ trọng tâm trong tái thiết đô thị.
Khẳng định đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan, song Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yêu cầu quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị và tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị. Mục tiêu này được thể hiện rõ nét trong quy hoạch là bước đi đầu của định hướng phát triển. Trong quy hoạch Thủ đô, Hà Nội luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, trong đó có di sản vật thể. Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đề cập đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Để thực hiện được định hướng và yêu cầu trên, theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cần tiếp tục nhận diện quỹ di sản hiện có trong quy hoạch giai đoạn tới và có giải pháp để tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết, khu vực phát triển đô thị. Thành phố cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong khi lập quy hoạch như: tham vấn ý kiến cộng đồng trong đánh giá hiện trạng, có ý kiến phản biện và giám sát thực hiện trong giải pháp phát triển đô thị khi liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản…
Dù hệ thống di tích dày đặc nhưng các công trình văn hóa thực sự ấn tượng và trở thành “tài sản” trong tâm trí du khách khi mang theo về không nhiều. Công trình văn hóa hiện có hầu hết là các di tích của thời đại Thăng Long, thành phố đang thiếu vắng các công trình hiện đại mang vóc dáng của Thủ đô thời nay. Thực tế đã có thời điểm Hà Nội khởi xướng xây dựng các công trình văn hóa hiện đại nhưng đều bị bỏ lửng. Điển hình, dự án xây dựng 5 cổng chào ở cửa ngõ Thủ đô bị dừng lại do chưa tìm được sự đồng thuận trong cộng đồng và giới chuyên môn; dự án nhà hát Hoa Sen 2.000 chỗ ngồi, hình dáng như 5 bông sen bị dừng do vấp phải phản ứng của dư luận… Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần xem việc xây dựng công trình văn hóa hiện đại như điểm nhấn kiến trúc mới khi xây dựng quy hoạch Thủ đô hiện nay. Tất nhiên, các công trình này có quy mô, kiến trúc đẹp nhưng phù hợp với quy hoạch chung.
Quy hoạch thành phố “nhìn sông, tựa núi”
Ngay từ khi mới hình thành, Thăng Long - Hà Nội gắn liền với dòng sông Hồng hay còn gọi là sông Mẹ. Tại chính nơi này, hoạt động giao thương diễn ra sôi động, dần tạo nên các chợ buôn bán, làng nghề, phố nghề… góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất Kinh kỳ. Trải qua các giai đoạn phát triển, sông Hồng có tác động lớn đến đô thị của Thăng Long - Hà Nội và được coi là trục phát triển chủ đạo của Thăng Long - Hà Nội.
Dù chưa biết tới khái niệm quy hoạch nhưng người Kẻ chợ đã biết dựa vào sông Hồng để khai thác nguồn lợi, lấy sông Hồng làm mặt tiền cho phát triển đô thị. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ là đô thị nghìn năm tuổi, sức sống của nó chủ yếu được khai thác từ nguồn lực sông Hồng. Mặc dù về mặt hình thức, đô thị này phát triển thiên về một bên sông nhưng nó thực sự là đô thị mở ra sông, lấy sông Hồng làm mặt tiền, làm trung tâm của mọi mối giao lưu và các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, nhất là thời kỳ Pháp thuộc, thời bao cấp, Hà Nội co cụm, nép mình trong đê, quay lưng lại với dòng sông, từ chối mọi khả năng thích nghi và sáng tạo của cộng đồng dân cư dạn dày với nắng mưa, bão lũ sông Hồng.
Dù sau đó, Hà Nội tận dụng, phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông thành nhân tố phát triển của Thủ đô nên đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, dự án khai thác lợi thế mặt nước và hai bên sông Hồng nhưng chưa chú trọng quay mặt vào sông. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng ra đời đã đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai theo hướng “nhìn sông, tựa núi”. Có nghĩa, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng thay vì "quay lưng" vào dòng sông. Sông Hồng được định hướng là trung tâm kinh tế của vùng Thủ đô. Như vậy, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã định hình cho sự phát triển thành phố một cách rõ ràng, đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, những người yêu Hà Nội. Một thành phố hiện đại, văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện và thực hiện Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Quy hoạch đã bám sát mục tiêu, định hướng của thành phố đề ra. Đó là phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan hai bên bờ sông, mang tầm nhìn, tư duy mới về hoạch định chính sách dựa trên nguyên tắc: Thuận thiên và thuận lòng dân.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội cần có sự tham gia của vùng văn hóa. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dẫn giải, trên thế giới, việc quy hoạch các vùng đô thị trong mạng lưới quốc gia cũng như từng thành phố bài toán văn hóa luôn được đề cao. Với phương pháp quy hoạch hiện đại là chồng các lớp lên nhau, gồm: Điều kiện tự nhiên, dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lớp văn hóa xã hội. Sự chồng lớp này giúp chuyên gia, nhà quy hoạch phát hiện ra độ vênh giữa văn hóa - xã hội với quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giữa điểm dân cư với hệ thống dịch vụ xã hội… từ đó đưa ra quyết định đúng khi xây dựng chính sách cho các dự án đô thị.
Với chiều sâu văn hóa hàm chứa giá trị từ nghìn năm nay và bề rộng văn hóa bao phủ khắp mọi lĩnh vực, địa bàn, trong quá trình xây dựng hình thái đô thị mới, Hà Nội mong muốn giữ gìn bản sắc riêng có, với một Hà Nội xưa - Hà Nội nay được kết nối hài hòa. Quy hoạch Hà Nội là nhân tố quan trọng để nối dài ký ức cũ trong một hình ảnh Hà Nội văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để các ý tưởng trở thành hiện thực và duy trì một cách bền vững cần đến giải pháp đồng bộ, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành thành phố./.