Những điều chỉnh kịp thời về việc đặt tên xã, phường mới sau khi nghe ý kiến của nhân dân là minh chứng cụ thể về phát huy quyền làm chủ của người dân.
Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp gồm: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố) là chủ trương đúng đắn mang tính cách mạng của Đảng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Chủ trương này hướng đến lợi ích chung là vì sự phát triển của đất nước, phục vụ và chăm lo tốt hơn cho người dân ngay từ cơ sở. Thực hiện chủ trương này, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong quá trình lấy ý kiến về việc đặt tên xã, phường mới khi sáp nhập. Nhân dân có tâm tư, tình cảm và đề xuất nguyện vọng đặt tên xã, phường mới mang yếu tố lịch sử, văn hóa, tạo sự gần gũi gắn bó của người dân với mảnh đất quê hương, nơi lưu giữ ký ức và niềm tự hào của bao thế hệ. Đây là nguyện vọng chính đáng và được chính quyền ghi nhận, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Lịch sử của khu vực miền Trung và miền Nam gắn liền với hành trình mở cõi về phương Nam của ông cha hơn 500 năm về trước. Trong quá trình mở cõi, “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Ngoài ra trong các cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, nhiều địa danh nổi tiếng đã gắn với một thời “hoa lửa” hào hùng, tràn đầy niềm tự hào.
Tại tỉnh Quảng Trị, ban đầu các huyện như: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng dự kiến đặt tên xã mới theo tên huyện rồi gắn số hoặc gắn với các hướng: Đông, Tây, Trung, Nam. Người dân chưa đồng thuận với cách đặt tên như vậy. Nguyện vọng của nhân dân là đặt tên xã mới bằng những địa danh đã gắn liền với quá trình mở cõi về phương Nam của cha ông hoặc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Đặt tên xã mới như vậy sẽ vừa dễ cho nhận diện vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống và văn hóa vừa “có hồn” và gắn bó với cội nguồn.
Ban đầu, các xã mới của huyện Hải Lăng dự kiến được đặt tên theo hướng như: Đông Hải Lăng, Tây Hải Lăng, Trung Hải Lăng. Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các tầng lớp nhân dân, huyện đã điều chỉnh, chọn những địa danh mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương như: Diên Sanh, Hải Lăng, Vĩnh Định, Mỹ Thủy và Câu Nhi để đặt tên cho các xã mới khi sáp nhập.
Tương tự, sau khi tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của người dân, huyện Vĩnh Linh đã điều chỉnh tên cho 5 xã mới theo hướng thay đổi từ tên đánh số (Vĩnh Linh 1 đến 5) sang tên chữ mang đậm ý nghĩa lịch sử, văn hóa như: Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Thủy, Bến Quan. Những tên gọi này đã từng tồn tại trong lịch sử hoặc có sự gắn bó mật thiết với vùng đất được ngợi khen là “lũy thép” trong chiến tranh, “lũy hoa” trong công cuộc xây dựng quê hương.
Không riêng Quảng Trị, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã điều chỉnh việc đặt tên xã, phường mới khi sáp nhập theo nguyện vọng chính đáng của người dân. Đó là những tên gọi đã từng tồn tại trong lịch sử hoặc có sự gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân và có tính nhận diện cao.
Tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh đặt tên xã, phường mới theo hướng này. Các tên xã, phường mới được đặt theo tên các địa danh đã đi vào lịch sử và đời sống của nhiều thế hệ người dân xứ Quảng như: Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ); Thanh Châu, Thanh Hà (thành phố Hội An); Thượng Đức (huyện Đại Lộc); Việt An (huyện Hiệp Đức). Thành phố Đà Nẵng cũng đã điều chỉnh từ đặt tên xã, phường mới theo cách gọi tên quận, huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3, 4 sang tên xã, phường mới mang đậm yếu tố văn hóa, lịch sử và dễ nhận diện như: Sơn Trà, An Hải, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Vang, Hòa Xuân, Bà Nà.
Những điều chỉnh kịp thời về việc đặt tên xã, phường mới sau khi nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân là minh chứng cụ thể về phát huy quyền làm chủ của người dân. Những thông tin xuyên tạc cho rằng "việc đặt tên xã, phường mới khi sáp nhập là áp đặt một chiều từ trên xuống dưới, người dân bị cho “đứng” ngoài cuộc"… là không khách quan và suy diễn.
Trong quá trình đặt tên xã, phường và tỉnh, thành phố mới cũng cần tránh tính cục bộ địa phương như tên “xã tôi”, “phường tôi”, “tỉnh tôi” hay hơn, hoành tráng hơn tên “xã anh”, “phường anh”, “tỉnh anh”; tư tưởng so bì, áp đặt phải đặt tên mới như thế này thế khác do xã này, phường này, tỉnh này to hơn, giàu hơn, rộng hơn, đông dân hơn. Ngày 16/4, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương"./.
- Từ khóa:
- Pquyền làm chủ
- nhân dân
- đặt tên
- sáp nhập