Những ngày qua, nhiều người dân Nghệ An có ý kiến trái chiều khi dự kiến lấy tên xã, phường, thị trấn mới sau khi sáp nhập bằng cách ghép tên mỗi xã 1 từ để lấy tên xã mới. Với cách ghép đôi này, người dân sợ mất tên đã gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời.
TTXVN - Ngày 14/4, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết sẽ hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan chỉ đạo xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện trước ngày 10/5, thông qua HĐND cấp xã trước ngày 15/5, thông qua HĐND cấp huyện trước ngày 25/5.
Theo đó, việc đổi tên địa giới hành chính mới phải được lấy ý kiến của nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã, chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu, trình tự, thủ tục, thời gian, mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri và các nội dung khác thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Sau khi thực hiện các quy trình về lấy ý kiến cử tri, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả để UBND tỉnh tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An đến năm 2025, sau khi sáp nhập, sắp xếp, tỉnh sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị do sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh), còn 411 đơn vị hành chính cấp xã với 364 xã, 18 thị trấn, 29 phường (giảm 46 xã, 3 phường).
Những ngày qua, nhiều người dân Nghệ An có ý kiến trái chiều khi dự kiến lấy tên xã, phường, thị trấn mới sau khi sáp nhập bằng cách ghép tên mỗi xã 1 từ để lấy tên xã mới. Với cách ghép đôi này, người dân sợ mất tên đã gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời.
Đặc biệt tại huyện Quỳnh Lưu, nơi có nhiều đơn vị hành chính sáp nhập nhất Nghệ An (17 đơn vị hành chính có phương án sắp xếp). Tại đây, người dân không đồng tình với tên mới sau sáp nhập giữa xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu. Tại huyện Thanh Chương, có 2 xã Thanh Giang và Thanh Mai, huyện đã đề xuất tên gọi mới là xã Tân Dân nhưng không nhận được sự đồng thuận, dự kiến tên xã mới sẽ là Mai Giang…
Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường, Trung tâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằng, khi thay đổi tên gọi cần duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh. Việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm. Việc bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm, ký ức xứ sở quê hương, cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn tên gọi làng, xã sau sáp nhập cần được thực hiện cẩn trọng, khoa học. Do đó, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, giải thích, tôn trọng nguyện vọng của người dân, lựa chọn giải pháp dung hòa, phù hợp với quy định để đảm bảo tính thống nhất, giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện được bản sắc riêng của từng địa phương./.
- Từ khóa:
- sáp nhập
- tên xã
- sắp xếp đơn vị hành chính
- Nghệ An