Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng đất nước
Trải qua sự thăng trầm cùng lịch sử phát triển của dân tộc, Phật giáo luôn khẳng định được vị thế, tầm vóc của mình trong lòng dân tộc.
TTXVN - “Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”, là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức sáng 31/3.
Hội thảo do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, cùng hơn 500 học giả và Phật tử tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật giáo đã có mặt và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua. Trải qua các triều đại phong kiến, nhất là thời kỳ Lý, Trần, với tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, Phật giáo đã có sự gắn bó, hòa đồng với truyền thống văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt Nam. Truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý, Trần thể hiện trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế thị trường, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản tri thức của dân tộc qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử là một nhiệm vụ mang tính chiến lược cho sự phát triển của một quốc gia.
Để kế thừa và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo thời Lý, Trần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi trọng việc tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực tham gia đóng góp vào phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, vận động quần chúng tín đồ Phật tử, nhân dân tích cực tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác… nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững từng bước hướng đến hùng cường.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nói riêng sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, ứng xử, tiếp thu tinh hoa của nhân loại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Giáo hội một cách sâu rộng đến các tự viện, tăng, ni, Phật tử trong nước cũng như ở nước ngoài; coi trọng hoạt động giáo dục phẩm hạnh, năng lực của đội ngũ tăng, ni, nhất là đội ngũ tăng, ni trẻ.
Trong phát biểu đề dẫn, Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Thanh Điện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội thảo chia sẻ, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn… Phật giáo Việt Nam đóng góp vai trò lớn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đặc biệt, nhà Lý (1010 - 1225), nhà Trần (1225 - 1400) được coi là thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật phát triển mạnh mẽ trong đời sống xã hội, đem an vui, hạnh phúc đến với toàn dân, thể hiện được tinh thần gắn kết, hòa đồng giữa đạo với đời, đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” trong suốt quá trình hoằng dương Phật pháp.
Với tinh thần từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội. Hình ảnh các vị thiền sư trong lịch sử dân tộc đã dốc tâm, dốc sức phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền, đem lại cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc cho người dân. Trong đó, có một số tăng sĩ có đạo cao, đức trọng, học vấn uyên bác được các bậc minh quân trọng dụng.
Thời nhà Trần, đức vua Trần Nhân Tông (Điều ngự Giác Hoàng) xuất gia là một “hiện tượng” có một không hai trong lịch sử dân tộc. Ngài từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu Phật, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và đã phát huy truyền thống Phật giáo Việt Nam ngày càng rực rỡ, đem Phật pháp gắn liền với thế gian pháp, biến những giáo lý cao siêu trở thành một triết lý hành động thực tiễn.
Cho đến các thời kỳ sau, diện mạo của Phật giáo Việt Nam có nhiều biến đổi với điều kiện tình hình cụ thể song luôn thấm đẫm tính nhân văn và luôn đề cao tinh thần yêu nước, cố kết cộng đồng.
Với tinh thần lan tỏa những giá trị của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý, Trần nói riêng, Hội thảo nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm liên quan để vận dụng và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần chia sẻ, lan tỏa truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam, hoằng dương chính pháp, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường. Đồng thời, phát huy các giá trị tốt đẹp, nhân văn của Phật giáo nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý, Trần nói riêng vào việc lý giải và giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, tiếp tục thực hiện trong quá trình phát triển của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hội thảo cũng là dịp để động viên, khích lệ các tăng, ni, Phật tử cả nước tham gia tích cực vào các hoạt động Phật sự do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh tổ chức theo tinh thần của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm vươn lên của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại Hội thảo, các chư tôn đức giáo phẩm, các nhà khoa học đã chia sẻ ý kiến, trao đổi kết quả nghiên cứu về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nhấn mạnh, trải qua sự thăng trầm cùng lịch sử phát triển của dân tộc, Phật giáo luôn khẳng định được vị thế, tầm vóc của mình trong lòng dân tộc. Bước sang thời kỳ đổi mới, với tinh thần “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, tăng, ni, Phật tử đã cùng với nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước, quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, tinh thần “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý, Trần đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng, ni và Phật tử ứng dụng vào trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp vào nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, để có sự vận dụng thống nhất, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với đường lối phát triển đất nước trong thời đại mới, việc giáo dục tinh thần này cho đội ngũ tăng, ni một cách chuẩn mực, có hệ thống, mang tính thống nhất cao là vô cùng cần thiết.
Thượng tọa nhấn mạnh ba yếu tố: Cần tăng cường các hoạt động mang tính chuyên đề về giáo dục tinh thần “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” cho tăng, ni; nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo; phát huy hơn nữa nguồn lực xã hội trong giáo dục tinh thần Phật giáo truyền thống đối với tăng, ni Việt Nam.
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an nhận định, từ trong lịch sử, Phật giáo đã giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử thời Lý, Trần, Phật giáo đã góp phần định hình quốc gia dân tộc, định đô Thăng Long và đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Trung tướng Trần Vi Dân đã phân tích, làm rõ ảnh hưởng của đạo Phật đến tư tưởng chính trị, tổ chức chính trị, giá trị văn hóa của các vương triều này; qua đó, rút ra một số vấn đề đối với công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, hướng tới hùng cường./.
- Từ khóa:
- Phật giáo
- Phụng đạo yêu nước
- Hộ quốc an dân
- Thời Lý
- Trần