Báo chí Công an nhân dân với chức năng của mình đã tuyên truyền, phản ánh, đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc và các quan điểm sai trái thù địch.
TTXVN - Chiều 10/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức tọa đàm "Phát huy vai trò báo chí, truyền thông Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" gắn với tổng kết, trao Giải Báo chí về phòng, chống tham nhũng tiêu cực năm 2022 - 2023 trong lực lượng Công an nhân dân.
Tại tọa đàm, Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân thông tin, bên cạnh sự phát triển của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng để biến mạng xã hội thành công cụ để tuyên truyền nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái nhằm chống phá cách mạng Việt Nam và xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước, gây hoang mang, gieo rắc tâm lý bất mãn...
Trước tình hình trên, báo chí Công an nhân dân với chức năng của mình đã tuyên truyền, phản ánh, đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc và các quan điểm sai trái thù địch. Cùng với công tác đó, việc tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Bộ Công an đặc biệt quan tâm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "không ngừng, không nghỉ".
Cùng với sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ Công an, báo chí Công an nhân dân đã làm tốt công tác tuyên truyền phản ánh đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc và các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều bài viết, phóng sự được thực hiện công phu, bám sát vấn đề thời sự, góp phần ngăn chặn sự hành vi phá hoại tư tưởng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm đều được thông tin, phản ánh kịp thời, vạch trần những luận điệu vu cáo Việt Nam, lật tẩy bản chất chống phá của các thế lực thù địch, phản động núp dưới cái gọi là “yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, “bảo vệ môi trường”, chiêu bài “cách mạng màu”, “cách mạng nhung” hay mưu đồ “dân chủ hóa”, “phương Tây hóa”; đòi đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; xuyên tạc bản chất cách mạng, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang...
Tại tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ những kết quả đã đạt được trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cơ quan báo chí, truyền thông Công an nhân dân. Về nội dung, các cơ quan báo chí luôn chú trọng việc kiên định, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; đồng thời khuyến khích việc tổng kết, lan tỏa mô hình hay, kinh nghiệm tốt ở các địa phương.
Các ý kiến đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông trong Công an nhân dân cần phải luôn trong tâm thế chủ động, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình thời sự quốc tế và trong nước; cần có kế hoạch cụ thể, hình thành các tuyến bài tập trung cho hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái. Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ phóng viên, cần phát triển đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để thường xuyên, chủ động tổ chức các chuyên mục, bài viết phân tích, bình luận chuyên sâu, sắc bén, hiệu quả.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, với vai trò, vị trí và tầm quan trọng về nền tảng tư tưởng của Đảng, đây luôn là mục tiêu hướng tới và không bao giờ từ bỏ âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, công tác truyền thông cần đổi mới hơn nữa về nội dung, hình thức, phương pháp; gắn kết việc nhận diện, phê phán, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch, chống tin giả, tin xấu độc với việc phủ xanh, lan toả thông tin tích cực và chú trọng việc "tự soi", "tự sửa", tự phòng chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của cơ quan, đơn vị, địa phương và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, trong đó các cơ quan truyền thông báo chí các cấp là nòng cốt và trực diện.
Giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí trong Công an nhân dân, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu, trong công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới cần quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành, gắn với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, phương thức hoạt động của báo chí, truyền thông trong Công an nhân dân; quán triệt và chú trọng hơn nữa về sự gắn kết giữa “xây” và “chống”.
“Hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông trong Công an nhân dân cần phải chủ động, thích ứng, linh hoạt phù hợp với diễn biến của tình hình trong từng giai đoạn. Coi trọng việc xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cộng tác viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, truyền thông; tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của các chuyên gia về tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm báo chí; tập hợp rộng rãi sự tham gia tích cực hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, các giai tầng trong xã hội và bè bạn quốc tế” - Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm, lễ tổng kết và trao "Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" lần thứ tư năm 2022 - 2023 trong Công an nhân dân đã được tổ chức.
Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022 - 2023, Bộ Công an phát động Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022 - 2023 trong Công an nhân dân. Từ ngày 13 - 24/8/2023, Ban Giám khảo đã tổ chức chấm các tác phẩm dự thi có chất lượng được sơ loại từ gần 200 tác phẩm dự thi.
Các tác phẩm tham dự giải có chất lượng tốt và tương đối đồng đều, đảm bảo tính chân thực, khách quan có tính thuyết phục và định hướng cao, có tác động tích cực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Ban Tổ chức đã trao 1 Giải Đặc biệt; 2 giải A; 3 giải B; 6 giải C; 10 giải Khuyến khích cho tác giả và nhóm tác giả./.
- Từ khóa:
- phòng
- chống tham nhũng