Xây dựng Đảng

Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị: “Thanh bảo kiếm” cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quy định 131-QĐ/TW là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

TTXVN - Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị, đã ký Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quy định trên được ví như một “thanh bảo kiếm” giúp các cơ quan chức năng và mỗi cán bộ, Đảng viên tự kiểm tra, giám sát, tự soi, tự sửa; đồng thời, hiểu rõ quá trình chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát hiện nay cũng như thời gian tới.

Nhìn từ thực tế, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Quang Đẩu đánh giá, Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nhận diện sự "tha hóa quyền lực" có thể xảy ra, từ đó, đưa ra chuẩn mực hành động và tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất nhạy cảm này. Theo ông Trần Quang Đẩu, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”; vì vậy, phải luôn kiểm soát quyền lực. Đây cần được coi là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Tại nhiều cuộc họp gần đây, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới, trong đó yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn”.

Tâm huyết nhất đối với nội dung chương II, Quy định 131 về: “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”, ông Trần Quang Đẩu cho rằng, việc nhận thức sâu sắc về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát hiện nay là hết sức quan trọng, cần phải được triển khai học tập và thực hiện một cách bài bản nghiêm túc đến từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác kiểm tra, giám sát.

Thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng, Phó Trưởng ban truyền thông Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá, Quy định 131-QĐ/TW là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, Quy định 131 nêu rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó, có cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.

Theo ông Đặng Thanh Hưởng, thời gian qua, bằng quyết tâm và sự đồng thuận, với phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”; được cán bộ, Đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ông Đặng Thanh Hưởng đề xuất, Nhà nước cần coi trọng phòng ngừa, coi trọng việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, Đảng viên; đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, Đảng, Nhà nước phải kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp, các ngành; phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là công việc khó nhưng với sự quyết tâm, tinh thần đồng lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm