các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
TTXVN - Bám sát Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và đơn vị trong Khối để kích cầu thị trường nội địa.
Các hoạt động được triển khai đồng bộ, góp phần khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.
* Những điểm sáng
Một trong những kết quả nổi bật trong việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong việc tạo ra các hàng hóa, sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2022, toàn Đảng bộ Khối có 43.310 công trình, sáng kiến, giải pháp từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trị giá gần 8.547 tỷ đồng; tiết kiệm, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, đơn vị.
Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã tích cực triển khai dự án nghiên cứu với mục tiêu phát triển, cải tiến, nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hóa, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của thị trường và hàng nhập ngoại cùng chủng loại.
Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng và công bố 272 tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm chủ yếu trong sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong lưu thông, tiêu thụ; tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí có chất lượng cao và thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, TKV xây dựng chiến lược phát triển cơ khí giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035, định hướng phát triển các sản phẩm cơ khí thương hiệu TKV thông qua việc gắn kết giữa công tác nghiên cứu và chế tạo.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tích cực xây dựng hệ thống nhận diện các "thương hiệu con", nằm trong hệ sinh thái số như sàn thương mại điện tử PostMart.vn, mã định danh điện tử PostID, VPostcode, ví điện tử PostPay... Vietnam Post đã và đang đầu tư hạ tầng hiện đại đạt công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và hàng nghìn trung tâm khai thác cấp tỉnh, huyện, xã. Hệ thống này đã tạo nên hệ sinh thái khép kín từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn, phát hàng hóa tới tận địa chỉ khách hàng yêu cầu, tiến tới cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động một cách đồng bộ và chuyên nghiệp cho khách hàng tại Việt Nam.
Phát triển sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Vietnam Post còn tập trung hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh; đồng thời từng bước phát triển thành sàn giao dịch quy mô quốc gia để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Tiêu biểu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cung cấp dịch vụ bán vé nguyên khoang, toa, cùng chính sách giảm giá từ 10-15% và các chính sách giảm giá cho sinh viên, đối tượng chính sách. Các đơn vị chủ động phối hợp với đối tác phát hành “Sổ tay du lịch” miễn phí cho khách đi tàu; phối hợp với các cơ quan thông tấn để sản xuất chương trình, in báo ảnh nhằm tuyên truyền sản phẩm, dịch vụ mới, giới thiệu địa danh nổi tiếng ở các địa phương có đoàn tàu đi qua. Điển hình, đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng với chuyên đề foodtour đã thu hút đông đảo khách hàng du lịch bằng tàu hỏa đến thành phố Cảng.
Tương tự, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai dự án “Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin Bưu điện Việt Nam” (MPITS); đầu tư, triển khai hệ thống chia chọn tự động công nghệ Croos Belt với công suất trên 24.000 bưu kiện/giờ (công suất lớn nhất hiện nay); hệ thống tích hợp nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ Vmap... Qua đó, ngành Bưu điện Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, rút ngắn 70% thời gian giao nhận khai thác hàng hóa, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả hoạt động của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử...
* Khai thác tối đa thị trường trong nước
Đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Hồ Xuân Trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối cho biết, các Đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư trong nội dung nghị quyết, kết luận, chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.
Qua đó, các doanh nghiệp trong Khối hưởng ứng thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, phát huy nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng cường sử dụng hàng Việt và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, đơn vị trong Khối. Các Đảng ủy trực thuộc, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, đơn vị đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên người lao động nêu cao và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, góp sức xây dựng thành công văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam.
Trong năm 2022, các đảng ủy trực thuộc đã ban hành 230 văn bản lãnh đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động; tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm cung cấp thông tin kịp thời về đơn vị sản xuất, sản phẩm, cũng như tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, phản hồi, đánh giá của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp…
Cuộc vận động được các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối triển khai hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông... Đến nay, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đã được công nhận là “Thương hiệu quốc gia” và vươn tầm ra nhiều nước trên thế giới, được đông đảo bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng ưa thích; đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, trong năm 2022, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đầu tư, mua sắm hàng hóa dịch vụ cung cấp trong nước trị giá gần 2.470 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào là hàng Việt Nam cho sản xuất kinh doanh với tổng giá trị hơn 475 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng thiết bị và hàng hóa dịch vụ hiện đang sử dụng; xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại; rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ nhằm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, Đảng ủy Khối sẽ tập trung chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả tốt Cuộc vận động theo Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chủ trương các doanh nghiệp trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới; tổ chức buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động. Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm phát huy tính sáng tạo, thi đua nâng cao tay nghề, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tích cực nêu gương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động.
Đồng thời, phát huy và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động, đoàn viên công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, khai thác tối đa thị trường trong nước.
Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc tăng cường kết nối, trao đổi thông tin về các dịch vụ, sản phẩm của nhau, để có các giải pháp thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lộ trình ngắn hạn và lâu dài, thực hiện hiệu quả chủ trương các doanh nghiệp trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau./.