An sinh

Phát huy vai trò của dòng họ, bản, làng trong giảm nghèo bền vững

Thừa Thiên Huế

Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên toàn tỉnh; giúp Thừa Thiên - Huế tiến gần hơn với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Khởi công xây nhà “Mảnh ghép nhà yêu thương” cho bà Phạm Thị Gái. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt, thời gian qua, Thừa Thiên - Huế triển khai nhiều chương trình, phong trào nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ này; trong đó có phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên toàn tỉnh; giúp Thừa Thiên - Huế tiến gần hơn với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát huy nguồn lực, giá trị con người Huế

Tháng 10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chính thức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại huyện A Lưới. Thời điểm này, A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhằm động viên tinh thần, khuyến khích các già làng, trưởng bản, người có uy tín nơi đây phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác vận động, hỗ trợ bà con trong làng, bản vượt khó, vươn lên thoát nghèo bởi A Lưới là huyện miền núi có khoảng 77,5% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tâm thức của đồng bào dân tộc, già làng, trưởng bản là cánh chim đầu đàn, điểm tựa của dân làng. Tận dụng vị thế, vai trò của họ trong cộng đồng dân tộc vùng núi để tạo sự đột phá cả trong suy nghĩ lẫn hành động của bà con là định hướng mà Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xác định ngay từ đầu.

Ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, già làng Hồ Văn Hạnh nổi tiếng là đảng viên “nói đi đôi với làm”, gương mẫu, tận tụy, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Pa Cô. Hưởng ứng phong trào, ông Hạnh phát huy vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động các dòng họ, hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Trong năm đầu tiên, ông kêu gọi được 135 hộ nghèo trên địa bàn xã đăng ký thoát nghèo. Già làng còn là người truyền cảm hứng, dạy sử dụng nhạc cụ truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Pa Cô cho lớp trẻ, thanh niên trong huyện. Nhiều người trong số họ đã trở thành thành viên nòng cốt của đội văn nghệ dân gian địa phương. Các nghề truyền thống của đồng bào như điêu khắc gỗ, đan lát, làm gốm... cũng được ông giữ lửa, trao truyền cho các thế hệ kế cận.

Nhờ những “cầu nối” như già làng Hồ Văn Hạnh, hơn hai năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đi đáng kể. Các hộ nghèo, cận nghèo A Lưới đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều thôn, bản thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng kinh tế, sức khỏe. Người dân mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, cách thức lao động và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đi lên làm giàu.

Ở làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, dòng họ Lê Khắc nổi tiếng với bề dày lịch sử trên 600 năm với truyền thống đoàn kết, hiếu học. Đây cũng là dòng họ “điểm sáng” trong thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”.

Sau cuộc vận động của dòng họ thực hiện phong trào, các gia đình có con em thành đạt trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, chung tay giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh; động viên các chi, nhánh có người neo đơn đảm nhận việc chăm lo, nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn. Các gia đình khác phấn đấu làm kinh tế giỏi để không có hộ nghèo, tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho con cháu học tập.

Qua gần một năm thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, toàn huyện Phong Điền có 56 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, ổn định cuộc sống với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng từ các nguồn quỹ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân, doanh nghiệp, dòng họ trên địa bàn. Huyện hướng đến mục tiêu vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 xuống dưới 1,79%.

Không riêng Phong Điền, các dòng họ khác ở các địa phương cũng tận dụng tốt nội lực từ trong dòng họ, không chỉ vận động con cháu ở trong và ngoài nước hỗ trợ cơ sở vật chất, đóng góp quỹ giảm nghèo mà còn đưa đến tay các hộ nghèo mô hình sinh kế có thu nhập ổn định. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Chí Tài cho hay, qua triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, những phẩm chất, truyền thống nhân văn của người dân Huế như tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách… được phát huy mạnh mẽ. Nhiều dòng họ chú trọng đầu tư công tác giáo dục cho thế hệ sau này khi đưa nội dung “Dòng họ, làng, bản không có người bỏ học” xây dựng hương ước của làng, xã.

Giảm nghèo thực chất và bền vững

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Thừa Thiên - Huế không là ngoại lệ. Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng, phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương càng phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa mục tiêu này.

Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ gia đình tại xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được phát động đã tạo nên sự lan tỏa quyết tâm mạnh mẽ, điểm sáng trong hành trình giảm nghèo của tỉnh. Cuối năm 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 11.700 hộ nghèo; trong đó, có gần 4.000 hộ không có khả năng lao động (chiếm 3,56%) và hơn 2.500 nhà cần được xây mới, sửa chữa. Đặc biệt, huyện A Lưới là một huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2025. Tháng 7/2024 đánh dấu cột mốc ý nghĩa đối với A Lưới nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung khi huyện chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia sau những nỗ lực chung tay của Ban Giảm nghèo tỉnh cùng các cấp chính quyền, người dân, tổ chức xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhận định, đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân huyện A Lưới mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh. Để đạt được kết quả này, huyện đã tập trung mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu lựa chọn hỗ trợ đầu tư các dự án “trọng tâm, trọng điểm” phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo đột phá, động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện A Lưới đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023, giảm gần 26% so với cuối năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Những con số giảm nghèo này có giá trị thực chất, bền vững khi chính người dân A Lưới đã tự chủ thoát nghèo từ trong ý chí và hành động.

Thay vì nhận “con cá” - trợ cấp, người dân nghèo A Lưới được trao “cần câu” - sinh kế. Các già làng, trưởng bản hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con chú tâm làm ăn, cố gắng cho con trẻ đến trường. Những lớp dạy học nghề, đào tạo nghề truyền thống được mở ra thường xuyên, về tận thôn, bản để bà con thuận tiện đến lớp. Từ đó, con đường phát triển kinh tế của người dân được xác định rõ ràng và họ trở nên độc lập, tự chủ hơn trong hành trình vượt khó. Thu nhập của người dân miền núi A Lưới nâng lên rõ rệt với mức bình quân đầu người cuối năm 2023 là 35,22 triệu đồng/người/năm (tăng 7,2 triệu đồng so với năm 2021).

Tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Sự kiện có ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nhà ở, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời kêu gọi xã hội chung tay hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân khó khăn có nơi “an cư lạc nghiệp”.

Việc lồng ghép phong trào "Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo” với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tạo sự bứt phá trong công cuộc xóa nhà tạm, xây dựng công trình an sinh xã hội, xây sửa nhà ở cho người dân Thừa Thiên - Huế thời gian qua.

Từ nguồn quỹ vận động được, hai năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 5.000 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí trên 326 tỷ đồng. Đáng chú ý, 3.750 nhà ở trong số đó thuộc về huyện A Lưới được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và từ các nguồn huy động khác.

Những ngôi nhà “3 cứng” được xây mới, sửa chữa đã tạo nền tảng tinh thần cho các hộ nghèo an cư lạc nghiệp. Còn với những hộ nghèo neo đơn, lớn tuổi, mất khả năng lao động, việc sở hữu căn nhà vững chãi là món quà to lớn, thiết yếu nhất.

Phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương luôn phải gắn với yếu tố đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Để tiến gần hơn với đích đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế đang quyết tâm tăng tốc giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 2-2,2%; trong đó, khu vực nông thôn giảm còn dưới 1,5% và vùng miền núi giảm còn dưới 5%./.


Mai Trang

Xem thêm