Du lịch

Phát triển Bù Đăng thành điểm đến hấp dẫn

Bình Phước

Huyện Bù Đăng có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào, có nhiều di tích lịch sử cách mạng.

 Trảng cỏ Bù Lạch là điểm đến du lịch sinh thái giàu tiềm năng của huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
 Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) có nhiều điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa cộng đồng, kết nối các điểm du lịch, hình thành tour du lịch sinh thái. Để khai thác tốt nguồn tài nguyên này, địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền và kịp thời phát huy tốt nhất các giá trị thu được từ các sản phẩm hiện hữu. Đây là nhận định của các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các công ty lữ hành tại Hội nghị Khởi nghiệp huyện Bù Đăng, tổ chức ngày 8/11.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sự kiện truyền thông du lịch New Star Media (tỉnh Bình Dương) công bố tour du lịch kết nối Bù Đăng 
 Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sự kiện truyền thông du lịch New Star Media (tỉnh Bình Dương) cho biết Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được xây dựng từ năm 2011 đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Dựa trên những tài nguyên và điều kiện thuận lợi vốn có này của Bù Đăng, công ty đã xây dựng tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo”.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Phước (tỉnh Bình Phước) Nguyễn Đức Hiếu cũng nhận định Bù Đăng là nơi hội tụ sinh sống của 34 dân tộc anh em, có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Do đó, địa phương cần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, gắn bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng.

 Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười mong muốn các công ty lữ hành kết nối khách du lịch đến với huyện Bù Đăng
 Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười, huyện có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ, rất thích hợp cho các loại cây ăn trái, có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào, có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Sóc Bom Bo huyền thoại, khu căn cứ Nửa Lon, chùa Đức Bổn A La Nhã… Đến với Bù Đăng, du khách sẽ được đắm mình với Thác Voi - từng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào M’nông, xung quanh thác có nhiều tảng đá rộng, bằng phẳng, vào mùa khô, dòng nước từ suối Đắk Rmo chảy nhẹ trên thác khiến du khách có cảm giác lâng lâng, mát rượi để thả hồn theo vũ điệu của núi rừng; Thác Đứng được ví như nàng thiếu nữ ngủ quên tựa mình vào đại ngàn… Bù Đăng còn là nơi hội tụ sinh sống của 34 dân tộc anh em, có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

 Các nghệ nhân biểu diễn đánh cồng chiêng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Tỉnh Bình Phước có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thì huyện Bù Đăng có 4 di sản gồm: Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Lễ hội Cầu bông của người Kinh; Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông; Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Bên cạnh đó, Bù Đăng còn là nơi duy trì nghệ thuật đánh cồng chiêng với 13 đội và khoảng 70 nghệ nhân biết nghệ thuật trình diễn cồng chiêng. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 150 chương trình trình diễn cồng chiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo và ở các huyện, thị, thành phố trong, ngoài tỉnh.

 Các nghệ nhân biểu diễn đánh cồng chiêng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Cùng đó, huyện Bù Đăng còn có 3 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: Thác Đứng, chùa Đức Bổn Anh La Nhã, Thác Voi (thác Liêng Rot).

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhấn mạnh, những năm qua, Bù Đăng đã tập trung hình thành các tour, tuyến du lịch, đồng thời chủ động kết nối với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước. Huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh để xây dựng và kết nối với các điểm du lịch lân cận như: Khu du lịch Tà Nùng Thác Diệu Thanh (Đắk Nông); Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng); Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập (Huyện Bù Gia Mập)…

 Trảng cỏ Bù Lạch - điểm đến du lịch sinh thái giàu tiềm năng của huyện Bù Đăng. 
 Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Huyện đang hoàn thiện quy hoạch và mời gọi đầu tư, hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, trong đó xây dựng Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) theo hướng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu.../.

Đậu Tất Thành – Nhật Bình

Xem thêm