Những chuyến du lịch ngắn ngày bằng đường bộ đang thu hút du khách miền Bắc nhờ chi phí và thời lượng hợp lý. Loại hình này còn mang đến trải nghiệm mới lạ, giúp du khách “đổi gió”...
Xu hướng du lịch ngắn ngày ngày càng phổ biến nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram… Du khách là sinh viên, gia đình, người đi làm có thể tận dụng dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ ngắn để trải nghiệm. Với chi phí hợp lý, thủ tục hải quan dễ dàng nên những chuyến du lịch kiểu này ngày càng phổ biến.
* Những điểm đến ngắn ngày ở miền Bắc
Chị Vân Anh đến từ Hải Phòng, vừa kết thúc chuyến du lịch mùa thu tới Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết: “Tận dụng 2 ngày phép còn lại trong năm kết hợp thứ 7 và Chủ nhật, tôi tự thưởng mình một chuyến du lịch đường bộ ngắn ngày với chi phí trọn gói cho 4 ngày chỉ hết khoảng 6 triệu đồng. Điểm đến là những danh thắng gần gũi cả về mặt địa lý và văn hóa với người Việt của Trung Quốc như: Nam Ninh, Dương Sóc, Quế Lâm...".
Thời điểm cuối năm 2024, đa phần khách du lịch Hà Nội đã chuyển hướng đến những điểm gần, có thể di chuyển bằng ô tô hay tàu hỏa như: Đồng Hới (Quảng Bình), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa)… Điểm chung là không mất quá nhiều thời gian di chuyển, ví dụ: Biển Sầm Sơn chỉ mất hơn 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô hay Đồng Hới - khoảng 9 tiếng tàu đêm. Du khách qua một đêm trên tàu đã có thể ngắm bãi biển đẹp, tận hưởng các dịch vụ ăn nghỉ với giá cả hợp lý.
Lựa chọn đi chơi gần Hà Nội trong 1 ngày để "đổi gió", chị Vũ Thị Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi dành một ngày thứ 7 để đi thung lũng Bản Xôi, Ba Vì vì đường đi gần, cảnh sắc đẹp và chi phí rẻ. Tôi thấy nhiều bạn bè tôi ở trung tâm đều lựa chọn các điểm đến gần như vậy chứ không còn lựa chọn đi du lịch xa, dài ngày nữa".
Lý giải điều này, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho biết, vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến giá tour, cộng với việc các tour du lịch nước ngoài mới ngắn ngày giá rẻ ngày càng nở rộ, nhiều du khách đã thay đổi các điểm đến truyền thống. Ví dụ, giá vé máy bay hai chiều từ Hà Nội đi Nha Trang tới 5,7 triệu đồng, đi Phú Quốc từ 6 - 7 triệu đồng, tăng 20-25% so với trước đó. Tuy nhiên, đa phần người dân còn gặp nhiều khó khăn trong kinh tế nên việc lựa chọn điểm đến gần, tiết kiệm chi phí được nhiều người ưa chuộng.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch You&Me cho biết, doanh nghiệp đã triển khai một số sản phẩm liên tuyến, kết hợp di chuyển bằng tàu hỏa và ô tô như: liên tuyến Hà Nội - Sa Pa - Hạ Long - Ninh Bình, Hà Nội - Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng… Với các điểm đến nước ngoài, hiện nay du khách có thể lựa chọn đi Đài Loan khoảng 6 ngày 5 đêm với mức giá khoảng 12 triệu đồng, Hàn Quốc khoảng 12-13 triệu đồng trọn gói.
Bên cạnh đó, các tour đi Trung Quốc đang được nhiều du khách trong nước ưa chuộng bởi mức giá rẻ, cảnh sắc đẹp và văn hóa quen thuộc. Cụ thể, du khách Việt đi các tuyến: Nam Ninh - Thanh Tú Sơn - Thái Bình Cổ Trấn - Nam Ninh Chi Dạ trong 3 ngày 2 đêm với giá khoảng 3,7 triệu đồng; Nam Ninh - Lệ Ba - Hạ Tư Cổ Trấn - Trấn Viễn Cổ Thành - Thiên Hộ Miêu Trại trong 4 ngày 3 đêm với giá khoảng 7 triệu đồng; Hà Nội - Hà Khẩu - Thạch Lâm - Côn Minh - Kiệu Tử Sơn - Mông Tự trong 5 ngày 4 đêm với giá khoảng 6,5 triệu đồng; Hà Nội - Quý Dương - Tiểu Thất Khổng - Đan Trại - Thiên Hộ Miêu Trại - Thung lũng Sajin - Thanh Nham Cổ Trấn 6 ngày 5 đêm hay tuyến Hà Nội - Quý Dương - Thị Trấn Mao Đài Xích Thủy - Trùng Khánh 5 ngày 4 đêm đều chỉ phải chi khoảng 10 triệu đồng trọn gói.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Sự kiện Camellia Việt Nam đồng quan điểm: “Với sự thuận tiện và đa dạng trong cảnh quan cũng như văn hóa, các tour Trung Quốc ngắn ngày là lựa chọn tuyệt vời cho những người bận rộn nhưng vẫn muốn có nhiều trải nghiệm mới lạ trong thời gian ngắn. Chúng ta cần tận dụng thế mạnh này để mang lại nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa trên tuyến Nam Ninh - Quế Lâm - Dương Sóc nói riêng và Quảng Tây nói chung”.
* Không ngừng thay đổi để phát triển
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới tại các địa điểm có lợi thế , ví dụ như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội.
Các đoàn khảo sát, hội nghị hợp tác phát triển và học tập cách thức phát triển du lịch cộng đồng cũng được tổ chức, tiêu biểu như hội nghị tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì cuối tháng 9-2024.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch You&Me cho biết: “Hà Nội có thể học tập các mô hình du lịch cộng đồng rất thành công như tại Quảng Tây - Trung Quốc. Bên cạnh cảnh núi non sông nước hữu tình vùng Dương Sóc, cộng đồng người Choang biểu diễn những điệu múa sinh động tái hiện văn hóa lâu đời mùa lễ hội, đám cưới hay tập tục tỏ tình kết duyên. Du khách thậm chí vẫn có thể thấy người thợ bạc đang miệt mài chế tác bạc ở một góc chợ đêm phố Tây Dương Sóc chứ không chỉ hiện vật trong bảo tàng.
"Vừa qua vào tháng 10/2024, trong cuộc họp với đại diện các đơn vị lữ hành của Việt Nam, bà Ngô Tiểu Tuyết, Trưởng Phòng Du lịch thành phố Nam Ninh phát biểu: “Chúng tôi đã cải tiến rất nhiều trải nghiệm, ví dụ trải nghiệm bè tre trên sông thay vì thuyền máy ở Quế Lâm, giúp du khách cảm nhận được vẻ đẹp bình yên của một đô thị cổ. Ngoài phát triển du lịch cộng đồng, những tuyến tour mới và đặc biệt như “theo dấu chân Hồ Chí Minh ở Quảng Tây” sẽ được nghiên cứu đưa vào thực tiễn, nhằm mang lại trải nghiệm ý nghĩa hơn cho du khách Việt, cũng như gắn kết thêm tình đồng chí giữa hai nước”.
Hơn nữa, nắm bắt xu hướng chung của ngành du lịch thế giới, chuyển đổi số là bước đi quan trọng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các tập đoàn, công ty du lịch triển khai mạnh mẽ như: phát triển ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia-guide) tại các điểm du lịch, khám phá di sản bằng công nghệ 3D, các ứng dụng cho phép đặt phòng khách sạn, xe đón tiễn sân bay, nhà hàng trực tuyến...
Bà Ngô Thị Thái Hà - Giám đốc công ty Cổ phần du lịch và thương mại Thái An cho rằng: "Các doanh nghiệp du lịch cần nắm bắt được xu hướng từ du lịch ngắn ngày cho tới việc ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch, nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu du khách. Chuyển đổi số là chìa khóa cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn".
Bà Ngô Lan Anh - đại diện Công ty Cổ phần Du lịch ANZ Việt Nam nhận định, những người làm du lịch tin tưởng rằng, sự chủ động của các doanh nghiệp, nỗ lực của cộng đồng địa phương cộng với các chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước, ngành du lịch sẽ phát triển một cách chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cao hơn nữa./.