Du lịch

Lâm Đồng: Phát triển du lịch giải trí về đêm và du lịch chất lượng cao

Lâm Đồng

Thành phố Đà Lạt đang thí điểm một số mô hình kinh tế đêm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Sáng 29/10, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bà Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo Hội nghị. 
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Bà Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng là phát triển du lịch chất lượng cao chứ không chỉ phát triển du lịch đơn thuần. Vì vậy, mọi giải pháp phải hướng đến chất lượng cao, trong đó phải xây dựng môi trường du lịch tự nhiên chất lượng cao; xây dựng môi trường xã hội an toàn, thân thiện; phát triển hạ tầng đồng bộ hiện đại, chú trọng chuyển đổi số, cải cách hành chính để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Dịch vụ từng bước hiện đại hóa, đa dạng, sang trọng, đẳng cấp… tạo ra sự khác biệt so với các địa phương khác.

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2022 - 2024, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 65,9%; khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách lưu trú. Đến cuối tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh có 4.882 phòng đạt chuẩn cao cấp; thu hút được khoảng 14.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang thí điểm một số mô hình kinh tế đêm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân như: Cung đường nghệ thuật Lý Tự Trọng; khu ẩm thực đêm Vườn hoa thành phố; tuyến phố đi bộ Đà Lạt tại khu Hòa Bình, Phường 1...; phối hợp khai thác chuyến tàu du lịch đêm “Hành trình đêm Đà Lạt” tại Ga Đà Lạt; thí điểm phố đi bộ Trần Quốc Toản...

Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” đưa vào hoạt động chính thức cổng thông tin (Dalat.vn); ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Flower city” và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến”; duy trì thành phố wifi, lắp đặt đưa vào sử dụng các khu trung tâm thành phố với năng lực phục vụ lên đến 50.000 lượt truy cập wifi mỗi ngày.

Đề án triển khai và tích hợp bản đồ du lịch thông minh trên Cổng thông tin và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh Dalatflowercity, trong đó cập nhật các địa điểm về tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí… Các thông tin, hình ảnh kết hợp công nghệ AR, VR, mô hình 3D giúp du khách dễ dàng tham quan các địa điểm, lập kế hoạch du lịch, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và có nhiều cơ hội trải nghiệm khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.

Thời gian tới, Lâm Đồng tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 18-NQ/TU đề ra với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế… Tỉnh xây dựng thí điểm và đưa vào hoạt động từ 3 đến 5 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại thành phố Đà Lạt; 2 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại thành phố Bảo Lộc. Riêng đối với các huyện còn lại, tỉnh nghiên cứu lựa chọn triển khai thí điểm 1 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại địa phương. Lâm Đồng hình thành và nhân rộng các mô hình khách sạn thông minh 4.0 đối với hệ thống các khách sạn cao cấp từ 4-5 sao trên địa bàn tỉnh.../.

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Xem thêm