Chính phủ hành động

Phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực

Đà Nẵng

Địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới; thực hiện Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh, kiểm tra. Ngoài ra, thành phố trú trọng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các lĩnh vực, dự án trọng điểm…

Chủ trì hội nghị
Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

TTXVN-Ngày 13/3, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

Tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, thời gian tới, Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết số 43 gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Đà Nẵng. Thành phố cần rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh phù hợp, nhất là việc thí điểm chính quyền đô thị. Địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới; thực hiện Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh, kiểm tra. Ngoài ra, thành phố trú trọng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các lĩnh vực, dự án trọng điểm…

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghị quyết. Đà Nẵng đã ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa nghị quyết với 525 nhiệm vụ. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (đạt 21,5%), đang triển khai 390 nhiệm vụ…

Thành phố đã có nhiều định hướng quan trọng như: Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô cấp vùng; phát triển kinh tế biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực; xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia. Địa phương đang tích cực tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

 

Kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP. Địa phương liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân thành phố tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mới mang tính nhân văn. Đây là những cơ sở quan trọng để địa phương có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời, minh chứng cho Nghị quyết số 43 đang dần đi vào cuộc sống.

 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết số 43 vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá; việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Do đó, Hội nghị là cơ hội để Đà Nẵng tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện và đề xuất các cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của địa phương trong thời gian tới.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 10 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về những vấn đề quan trọng của thành phố Đà Nẵng như: Giải pháp đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng; giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp thu hút đầu tư để phát triển kinh tế; phát triển du lịch, tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế…/.

Quốc Dũng

Xem thêm