Những giá trị văn hóa độc đáo như: ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn... là tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Sáng 17/4, tại quận Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử phối hợp Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố Huế tổ chức hội thảo khoa học “Hướng phát triển du lịch thành phố Huế” nhằm hiểu rõ hơn thực trạng, tiềm năng du lịch nổi trội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế Phan Tiến Dũng cho hay, Huế là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần của một kinh đô trong thể chế quân chủ, là minh chứng sống động cho nền văn hiến kinh kỳ - đỉnh cao của một quốc gia thống nhất. Văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, được khắc họa qua nhiều hệ giá trị văn hóa độc đáo như: ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn, giáo dục, chữ viết, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ và thơ ca... Những giá trị này là tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tại Hội thảo, đại biểu đã nghe nhiều tham luận về tiềm năng để phát triển du lịch và du lịch Huế trong chiến lược phát triển bền vững; phát huy giá trị văn hóa xây dựng thành phố Huế trở thành một trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Các đại biểu cũng nêu đặc điểm di tích lịch sử thời Tây Sơn tại Huế; việc phát triển du lịch di sản; xu hướng du lịch toàn cầu và nhận diện một số đối tượng khách hàng tiềm năng cho thị trường du lịch Huế; vai trò của trang phục truyền thống trong phát triển du lịch - nhìn từ Huế...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề xuất các hướng phát triển du lịch di sản Tây Sơn tại thành phố Huế. Theo đó, cụm di tích Kinh đô Phú Xuân gồm Kinh thành Phú Xuân, đàn Nam Giao Bân Sơn, chùa Thuyền Lâm, bia “Hổ hướng Tây Sơn khởi” cần có một thiết chế đặc thù để tôn vinh, tri ân danh nhân, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; có thể thành lập Học viện Quang Trung. Đối với cụm di tích trận mạc, cụm di tích cộng đồng cần chú trọng theo hướng giáo dục truyền thống lịch sử và phát huy giá trị văn hóa, du lịch trong đời sống cộng đồng.
Thạc sĩ Phan Thị Thúy Vân, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Huế cho rằng, Huế có các chất liệu phù hợp xu hướng du lịch được dự báo sẽ phát triển là du lịch cộng đồng kết hợp khám phá đời sống của cư dân bản địa, làng nghề; du lịch y tế, sức khỏe; du lịch sinh thái, thông minh, sáng tạo dựa trên văn hóa truyền thống. Du lịch Huế cần có sự nhìn nhận đánh giá lại nội lực, vị thế và nhận diện thương hiệu trong giai đoạn mới, từ đó đầu tư tổng lực về hạ tầng, cơ chế, chính sách, chủ trương để ngành du lịch có những bước đi bền vững./.
- Từ khóa:
- Huế
- phát triển
- du lịch
- tài nguyên
- văn hóa