Kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai...
Ngày 6/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc, Công ty TNHH SMC Huế tổ chức diễn đàn quốc tế lần thứ ba chủ đề "Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đã thảo luận một số định hướng phát triển kinh tế địa phương, trong đó kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế. Đồng thời, các đại biểu chia sẻ mô hình thành công, kinh nghiệm từ các địa phương khác và quốc tế trong phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế.
Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến giá trị văn hóa lịch sử thành giá trị kinh tế. Đây cũng là nguồn nuôi sống lại di sản, góp phần ngược lại cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thừa Thiên-Huế sở hữu một kho tàng di sản phong phú và đa dạng. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có 6 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh ở nhiều hạng mục như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.
Sự kết hợp độc đáo giữa di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu tạo ra một hệ sinh thái văn hóa-lịch sử toàn diện giúp hình thành các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật, học hỏi lịch sử; mở ra cơ hội phát triển nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, lấy di sản làm nền tảng. Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn, phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế./.
- Từ khóa:
- Phát triển
- kinh tế xanh
- kinh tế số
- di sản
- nền tảng
- Huế