Tây Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, đào tạo nghề gắn với việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ từ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sinh kế đến nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo tồn bản sắc văn hóa… cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống, kinh tế - xã hội của người dân. Từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.
*Chuyển biến mạnh mẽ từ các chính sách đồng bộ
Những năm qua, các cấp, ngành tỉnh Tây Ninh thực hiện tốt chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 giảm 45/56 hộ so với năm 2021.
Bà Hà Thị Nẹt (71 tuổi, người dân tộc Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu) cho biết, nhờ có chính sách hỗ trợ cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã mà gia đình bà từng bước vượt qua khó khăn, kinh tế gia đình ổn định. Cũng theo bà Nẹt, bà con có đất ở, đất sản xuất nên đến nay nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái tại ấp Phước Trung đã vươn lên thành hộ khá, hộ giàu, nhà cửa được xây dựng khang trang, con em được học hành và có điều kiện phát triển. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào Thái tại ấp Phước Trung đạt gần 70 triệu đồng/người/năm.
Ông Danh In (70 tuổi, ở ấp Suối Dầm, xã Tân Đông, huyện Tân Châu) - người Khmer có uy tín tại địa phương chia sẻ, những năm qua, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị.
Ông Danh In bày tỏ sự vui mừng vì được các cấp, ngành quan tâm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho người Khmer ở địa phương.
Bà Lâm Thị Reo, người có uy tín trong cộng đồng người Tà Mun, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu chia sẻ, ấp Tân Định 2, xã Suối Đá có 94 hộ với 326 nhân khẩu là người Tà Mun sinh sống.
Những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, đời sống người Tà Mun tương đối ổn định. Các cấp chính quyền đã xây tặng 9 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ người Tà Mun nghèo, khó khăn trị giá 360 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn có nhiều chính sách hỗ trợ vốn để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình từ quỹ giảm nghèo. Đời sống bà con ngày càng ổn định, tình hình an ninh trật tự trong đồng bào người Tà Mun luôn được đảm bảo.
*Phát huy nội lực, hướng tới phát triển bền vững
Tây Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống với 5.551 hộ/20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó chủ yếu là các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun, các dân tộc thiểu số khác chiếm khoảng 0,16%.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2022 đến nay là gần 10 tỷ đồng. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần nỗ lực vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khởi sắc. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, lâu dài, cần tiếp tục phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong mọi chính sách.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2024, toàn tỉnh còn 11 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Tỉnh đã đào tạo, tuyển dụng 64 giáo viên, nhân viên là người dân tộc thiểu số tham gia công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc theo Nghị định số 61/2006/NÐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ được thực hiện đầy đủ và kịp thời, giúp giáo viên an tâm giảng dạy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Đoàn Trung Kiên đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành theo kế hoạch. Chương trình giúp từng bước thu hẹp khoảng cách mức sống, thu nhập giữa đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của tỉnh; thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện Chương trình góp phần xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng theo ông Đoàn Trung Kiên, giai đoạn 2026 - 2030, Tây Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, đào tạo nghề gắn với việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở; khuyến khích cộng đồng tham gia lập kế hoạch, giám sát, thực hiện hiệu quả các hoạt động của Chương trình. Địa phương ưu tiên chính sách hỗ trợ toàn diện, dài hạn nhằm nâng cao năng lực, sinh kế, hạ tầng cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em./.
- Từ khóa:
- Tây Ninh
- phát triển
- đồng bào
- dân tộc
- thiểu số