Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
TTXVN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn.
Đầu tư các quỹ bảo hiểm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội trên 85%.
Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế đã được cấp Căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.
Giảm mẫu đơn, tờ khai có thông tin trùng lặp
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chiến lược là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, không phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công theo hướng người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.
Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Kết nối các dịch vụ công trực tuyến với cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Nhiệm vụ, giải pháp khác là đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện thuộc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo khu vực liên huyện", trong đó có nội dung đánh giá kết quả tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện, tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo khu vực liên huyện đến năm 2025, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm bảo đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức đảng trong nhiệm kỳ tới và phù hợp với thực tiễn của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thực hiện cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng vị trí việc làm làm cơ sở để tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương theo quy định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn liền với chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, dự báo phục vụ công tác đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật, thiết kế chính sách; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ncủa ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống trụ sở làm việc gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiết kiệm và thuận tiện trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam./.