Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá phiên chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng sáng 4/11 đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng sáng 4/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn, cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, nên đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật của nền kinh tế. Nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn chất vấn lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, có 36 đại biểu đã chất vấn và 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Các đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng và một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ.
Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo các đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện. Nguồn cung vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án quan trọng của quốc gia.
Tuy nhiên, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số vấn đề bất cập. Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa, chưa đồng bộ, gắn kết giữa cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác. Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn tùy tiện, chất lượng đô thị hóa chưa cao, kết cấu chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị. Việc thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành, các cơ sở khỏi nội đô thành phố Hà Nội còn chậm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và trung bình, cũng như nhà ở cho công nhân...
Từ những bất cập và hạn chế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Theo đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới cân đối các vùng miền; đầu tư phát triển đô thị ven biển, phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; sớm có giải pháp khắc phục bất cập về hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố lớn...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở và các quy định liên quan. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân bằng, tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán; có biện pháp xử lý để kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, nhất là nhà xã hội cho thuê, thuê mua; sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định danh mục trụ sở cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời.
Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, bảo đảm an toàn cháy nổ, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.../.