Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có chế độ tiền lương bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cũng như tạo sự cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chiều 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
* Cắt giảm khoảng 30% thủ tục hành chính
Theo báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm đúng mục đích, quan điểm xây dựng Luật, kế thừa và hoàn thiện nhiều quy định còn giá trị, đang thực hiện ổn định; được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương 63 Điều, tăng 1 Chương, 1 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư khác trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân đã được thể chế hóa cụ thể tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư đã quy định rõ về những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Các quy định này được áp dụng cho mọi thành phần kinh tế để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong dự thảo Luật; Chính phủ đề xuất bổ sung các ngành, nghề doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, kinh doanh.
Liên quan đến quyết định tiền lương, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.
Nhiều ý kiến đề nghị không quy định nội dung “trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ” vì theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước được nộp về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật để linh hoạt, kịp thời xử lý các trường hợp cần bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quan trọng, cần thiết và triển khai các dự án đầu tư quan trọng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, theo quy định của dự thảo, các quyết định cho vay vốn, hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế… với bất kể quy mô nào, đều phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu, là không hợp lý, không khả thi, không rõ quy trình, thủ tục xin ý kiến và giá trị pháp lý của việc cho ý kiến. Do đó, cần rà soát, chỉnh lý theo hướng, chỉ quy định những nội dung thực sự quan trọng cần xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết.
Để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị trình Quốc hội thông qua trước ngày 15/6/2025 và Luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Ngoài ra, để bảo Luật có thể triển khai ngay khi có hiệu lực, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo sớm trình Chính phủ ban hành các nghị định và các cơ quan liên quan cần ban hành các văn bản hướng dẫn trước ngày 1/8/2025.
* Tạo bứt phá trong quản lý doanh nghiệp nhà nước
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật; qua đó, tạo thể chế mạnh mẽ, rõ ràng, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã thấy rõ trong thực tiễn, tạo bứt phá trong quản lý doanh nghiệp nhà nước để phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh; cơ chế giám sát; vai trò của Tổng công ty quản lý vốn đầu tư... bảo đảm khả thi, minh bạch, đồng bộ với hệ thống pháp luật; tập trung rà soát các điều khoản tại dự thảo Luật để "tách bạch" chức năng quản lý của Nhà nước; đại diện chủ sở hữu vốn không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có chế độ tiền lương bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cũng như tạo sự cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song đó cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn về cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước; tăng tính chủ động cho Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Về hạn chế đầu tư của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, với doanh nghiệp nhà nước cũng như các thành phần kinh tế khác, những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đều phải được quy định trong Luật. Cơ quan soạn thảo cần giải trình nguyên nhân của đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư khác trong từng thời kỳ.
Liên quan đến vấn đề Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu doanh nghiệp nhà nước phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu về vấn đề này, sẽ phát sinh thêm thủ tục, là can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Đây là quyền của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự quyết định”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói./.
- Từ khóa:
- Phiên họp 44
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội