Thời sự

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính để việc cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

UBTV Quốc hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN

Chiều 27/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất của Chính phủ với dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý; thống nhất phương án tiếp thu, chỉnh lý các điều 8, 9, 10, 11 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không quy định về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất mà thay thế bằng quy định cho phép chủ đầu tư được tính vào chi phí đầu tư dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí hoàn thiện các nội dung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tăng cường hỗ trợ chính sách nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính; thống nhất về mô hình hoạt động, nguồn vốn, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia theo hướng đây là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương với nhiệm vụ chính là tập trung hình thành quỹ nhà để cho thuê.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Các đại biểu lưu ý bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định về phòng ngừa sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, chính sách bảo đảm chất lượng công trình; bố trí cân đối nguồn vốn và hướng dẫn các địa phương bố trí vốn để phát triển nhà xã hội theo quy định của Nghị quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, nếu Quốc hội không họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu bổ sung quy định về chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và đề xuất của chủ đầu tư, quyết định phương án xử lý quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc có văn bản pháp lý tương đương để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn; cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho địa phương; bảo đảm việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Để các cơ chế, chính sách của Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian xử lý các công việc, thủ tục liên quan; bố trí nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai, vừa bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội cho người dân, vừa bảo đảm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, chính sách.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính để việc cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

UBTV Quốc hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về chất lượng công trình, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ giải pháp kiểm soát, đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội, bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành; tránh việc nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu theo quy định. "Ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình, Bộ Xây dựng hay Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố? Vấn đề này phải làm rõ, không để tình trạng khi xảy ra vấn đề gì thì đổ thừa là luật quy định chưa rõ, không ai chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu vấn đề hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là bài học trong buông lỏng quản lý; tới khi chuyện xảy ra thì không thấy đơn vị nào chịu trách nhiệm chính.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không để ý kiến góp ý nào của đại biểu không được tiếp thu để khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết có tỷ lệ đồng thuận cao. Đặc biệt, những vấn đề ách tắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay trong Nghị quyết này. Cùng với đó là quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn cho người dân./.


Phan Phương

Tin liên quan

Xem thêm