Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ khả năng cân đối vốn cho các dự án
Liên quan đến Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án.
Tiếp tục Phiên họp thứ 45, chiều 17/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
*Hai dự án thành phần theo hình thức đầu tư công
Theo Tờ trình của Chính phủ, để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Phạm vi, quy mô và hình thức đầu tư: đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới, chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tiến độ thực hiện: chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025, hoàn thành Dự án năm 2029.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nêu rõ, Dự án đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư công. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cần thiết. Chính phủ đề xuất 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án, theo đó cơ bản các chính sách đặc thù, đặc biệt này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian qua, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở. Tuy nhiên, một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của Dự án.
*Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chuẩn bị đầu tư Dự án
Theo Tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng); điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỷ đồng (tăng 2.854 tỷ đồng), ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỷ đồng (tăng 860 tỷ đồng).
Lý do điều chỉnh là quá trình triển khai thực hiện Dự án đã phát sinh một số yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của các Dự án thành phần được Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt, dẫn đến tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư Dự án chưa kỹ lưỡng dẫn đến tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí đầu tư xây dựng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết nghị.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án tăng 3.714 tỷ đồng tương đương khoảng 20,8% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội quyết định là khá lớn; đề nghị tiếp tục rà soát các chi phí tăng, giảm của Dự án và phân tích, bổ sung để làm rõ hơn việc tăng, giảm các chi phí này nhằm bảo đảm tính chính đáng, hợp lý trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
*Bảo đảm phù hợp với quy hoạch được phê duyệt
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần thật sự quan tâm để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường; phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực; hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng và các trường hợp thu hồi đất; bảo đảm tính kết nối liên vùng, giữa các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch...
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Chính phủ đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn: tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong giai đoạn 2026 - 2030 có rất nhiều dự án lớn được triển khai cũng được đề xuất sử dụng các nguồn vốn trên, do đó, Chính phủ cần cân đối tổng thể các dự án, tránh chồng lấn nguồn kinh phí dự kiến và khi triển khai thực hiện không bảo đảm khả năng giải ngân.
Liên quan đến Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án. Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tới đây 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập vào các đơn vị hành chính mới nên có thể ảnh hưởng đến khả năng bố trí và điều phối nguồn vốn địa phương theo kế hoạch./.