Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Kiến nghị về thời hạn hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật, theo đó sửa đổi những vấn đề cấp bách, cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy
Chiều 16/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Văn bản cấp huyện hết thời hạn đến ngày 1/3/2027 là quá dài”
Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật, theo đó sửa đổi những vấn đề cấp bách, cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Nêu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung văn bản của UBND cấp xã, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét, cụ thể hóa rõ thêm về nội dung “phân cấp” trên vì "phân cấp" thường được hiểu là việc cơ quan cấp trên giao một phần thẩm quyền cho cơ quan cấp dưới. Cấp xã là cấp cơ sở, trực tiếp thực thi chính sách và là cấp gần dân nhất. Do đó, việc quy định UBND cấp xã phân cấp sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng: việc quy định văn bản cấp huyện hết thời hạn đến ngày 1/3/2027 là quá dài. Việc kéo dài hiệu lực của các văn bản cấp huyện trước khi sắp xếp như vậy sẽ làm chậm quá trình ổn định tổ chức và hoạt động của các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đồng thời duy trì tình trạng pháp lý thiếu đồng bộ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) đề nghị cân nhắc việc quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bởi cấp xã phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc phân cấp tiếp có thể tạo thêm tầng trung gian, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) không quy định UBND cấp xã được phân cấp tiếp; ngay cả một luật sửa đổi 7 luật liên quan đến đầu tư công, đầu tư theo đối tác công tư thì UBND cấp xã cũng quyết định chủ trương đầu tư dự án mà không có quyền phân cấp tiếp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng quy định theo hướng giao cho UBND cấp xã được ủy quyền trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế sau sắp xếp.
Về quy định chuyển tiếp, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có hướng dẫn thống nhất đối với các trường hợp sáp nhập để tổ chức triển khai hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Tính toán thêm về đề xuất tăng mức xử phạt tiền ở các thành phố
Cho ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho biết, dự thảo đề xuất bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức xử phạt vi phạm bằng tiền tăng gấp 2 lần ở khu vực nội thành của 6 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Ngoài ra, dự luật cũng mở rộng danh sách lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng. Theo đó, tại Hà Nội và khu vực nội thành 5 thành phố trực thuộc Trung ương, mức xử phạt có thể cao hơn đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự - an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và an toàn thực phẩm.
Đại biểu Trần Công Phàn đề nghị nội dung này cần tính toán thêm, đồng bộ với thẩm quyền xử lý. Đặc biệt tại địa bàn Hà Nội, dự thảo luật cần xem xét đồng nhất với Luật Thủ đô.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong việc xác định các hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, cần mở rộng, quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia./.