Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Cần có lộ trình khi tăng mức xử phạt vi phạm hành chính
Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình đối với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày nêu rõ sự cần thiết ban hành luật dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Dự thảo Luật bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo); mở rộng phạm vi khu vực được áp dụng mức phạt tiền cao hơn bình thường...
Bên hành lang Quốc hội ngày 15/5, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình đối với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đại biểu, việc bổ sung, sửa đổi này được tiến hành trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Do vậy, có 2 nội dung phải sửa bổ bổ sung cho kịp thời.
Thứ nhất, thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi Luật xử lý vi phạm hành chính có nhiều nội dung liên quan đến việc xử lý hành chính của cấp huyện. Do vậy, cần phải sửa đổi để phù hợp với định hướng trong việc sắp xếp bộ máy.
Thứ hai, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là thẩm quyền của Thanh tra cấp huyện và Thanh tra sở. Tuy nhiên, sắp tới sẽ kết thúc Thanh tra cấp huyện nên phải có sự tính toán, xem xét đối với các lĩnh vực vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền nào xử phạt.
Đó là hai lý do rất cần thiết và quan trọng để chúng ta phải sửa đổi ngay Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc sửa đổi, bổ sung lần này gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ (thành phố Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc sửa đổi lần này sẽ bao gồm sửa đổi một số quy định xử phạt theo hình thức tăng nặng đối với một số vi phạm hành chính. Việc xử phạt theo chiều hướng tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm hành chính cụ thể sẽ có hiệu quả rất cao trong việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân; hiệu quả hơn rất nhiều so với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 100 và Nghị định 168 của Chính phủ đi vào cuộc sống, ý thức chấp hành các quy định trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân đã thay đổi rõ rệt...
Cũng theo đại biểu Trương Xuân Cừ, bên cạnh những lợi ích đạt được, chúng ta cũng cần tính toán, cân đối với mức thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay để có mức xử phạt phù hợp. Nếu chúng ta áp dụng đồng loạt mức xử phạt mang tính răn đe mạnh sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho những đối tượng có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp. Do đó, chúng ta phải cân nhắc, tính toán để có lộ trình áp dụng theo chiều hướng tăng dần theo thời gian và đảm bảo yếu tố phù hợp với thu nhập bình quân của người dân./.