Thời sự

Nghị quyết 68 tạo hào khí mới cho sự phát triển của kinh tế tư nhân

TP. Hồ Chí Minh

Để sớm đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống, cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Với nhiều điểm mới có tính tiên phong và tạo thể chế thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân cùng với tinh thần quyết liệt trong cụ thể hóa các nội dung vào thực tiễn, Nghị quyết 68 đã tạo hào khí mới cho sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Đây là nhận định của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp tư nhân chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Đại học Tài chính - Marketing tổ chức ngày 15/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân tham gia trao đổi các nội dung liên quan đến Nghị quyết 68.
 Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW đã đưa ra những định hướng chiến lược và mục tiêu rõ ràng. Đó là hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế; phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc có bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần phụng sự tổ quốc; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch, thuận lợi; tăng cường liên kết giữa khu vực tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và FDI để hình thành các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành và phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có sức cạnh tranh toàn cầu.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, trong kỷ nguyên phát triển mới - nơi công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng đang tạo ra những cơ hội và thách thức chưa từng có - việc cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Nghị quyết 68 là một yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và sự tư vấn chính sách khoa học từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Kiến nghị các giải pháp để sớm đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh, cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo minh bạch, ổn định và có khả năng dự báo; bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh giữa các thành phần kinh tế; bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân theo đúng pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, loại bỏ giấy phép con; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; phát triển chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đề xuất một số giải pháp đối với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho rằng, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cần xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh đảm bảo tính dài hạn, chủ động liên kết hội nhập đưa trên ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chú trọng kết nối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường cũng nêu rõ, doanh nghiệp khu vực tư nhân cũng cần đổi mới văn hóa kinh doanh, xóa bỏ triệt để tư duy kinh doanh chụp giật, ngắn hạn, cạnh tranh không lành mạnh để nâng cao uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và niềm tin của xã hội.

PGS, TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Trao đổi tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nghiên cứu - phát triển (R&D); hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng bền vững; có chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh; tăng cường hợp tác công – tư trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; thúc đẩy tinh thần doanh nhân, đổi mới sáng tạo trong lực lượng lao động trẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần mở rộng và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, thị trường vốn, khoa học - công nghệ cho khu vực tư nhân; khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng và dịch vụ công, định hướng nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, tiềm năng xuất khẩu, công nghệ cao./.


Anh Tuấn

Tin liên quan

Xem thêm