Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lần này không chỉ cần thiết mà còn là yêu cầu cấp bách của thực tiễn, để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XV thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nhận được sự quan tâm và nhiệt tình đóng góp ý kiến của cử tri Thành phố Hố Chí Minh, trong đó có cử tri đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lần này là nhiệm vụ chính trị - pháp lý hệ trọng không chỉ cần thiết mà còn là yêu cầu cấp bách của thực tiễn, để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích, thực tiễn hơn 11 năm thi hành Hiến pháp 2013 cho thấy, bên cạnh những thành tựu quan trọng, các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hiến pháp 2013 còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng vận động. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tuy đã được quy định nhưng trên thực tế hiệu quả chưa cao, có lúc còn hình thức, né tránh, thiếu cơ chế theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Việc tập hợp ý kiến nhân dân có nơi, có lúc chưa kịp thời, sâu sát.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương, mô hình 3 cấp bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ. Sự tồn tại của cấp huyện như một cấp trung gian đã làm tăng thủ tục hành chính, chậm triển khai chính sách đưa vào cuộc sống. Việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chưa thực sự mạnh mẽ. Năng lực và thẩm quyền của chính quyền cấp xã còn hạn chế.
Những bất cập trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt Hiến định để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đối với khoản 1, Điều 1 Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu rõ, để việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và sắp xếp lại tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cần đặc biệt chú trọng công tác tổ chức thực hiện. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về sự cần thiết, nội dung cốt lõi và ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp, cũng như các thay đổi trong tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính để tạo sự hiểu biết, đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành đồng bộ các văn bản luật và dưới luật liên quan (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật MTTQ Việt Nam, các luật chuyên ngành...) để cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh khoảng trống pháp lý.
Cùng có quan điểm về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Luật sư Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sắp xếp bộ máy Nhà nước tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả là cần thiết để tạo nguồn lực cho đất nước phát triển và đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Điều đó bắt buộc phải tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và những đạo luật có liên quan, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong Dự thảo sửa đổi lần này, những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến MTTQ nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam với tư cách là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng để phù hợp với mô hình tổ chức Nhà nước mới.
Qua thực tế hơn 20 năm tham gia công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia và nhiều đoàn thể khác tại cơ sở, Luật sư Hoàng Thị Lợi cho rằng, hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp. Thực tế hoạt động công tác Mặt trận tại cơ sở cho thấy có lúc, có nơi nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời; còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức, các báo cáo định kỳ có nhiều đề mục nội dung giống nhau...
Theo bà Hoàng Thị Lợi, việc Quốc hội sửa đổi Hiến pháp lần này, trong đó có nội dung sửa đổi liên quan đến MTTQ là kịp thời và thiết thực; góp phần nâng cao vai trò, vị thế và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị cũng như trong đời sống xã hội.
Luật sư Hoàng Thị Lợi cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi Hiến pháp theo khoản 1, Điều 1 của Dự thảo, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực. Thêm vào đó, cần thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của hệ thống Mặt trận phải được các cơ quan Nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc; đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động này của MTTQ Việt Nam./.
- Từ khóa:
- Hiến pháp
- Hiến định
- Mặt trận Tổ quốc