Pháp luật

Phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân

Nam Định

Hơn 10 năm qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt Luật Phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh trao Bằng khen các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2012 - 2022. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

TTXVN - Phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp như: Đất đai, tài nguyên - môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng... góp phần nâng cao nhận thức của người dân, định hướng dư luận xã hội. Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 16/3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh cho hay, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa gắn với trách nhiệm học tập, tìm hiểu pháp luật và hoạt động tập huấn nghiệp vụ của cán bộ, công chức.

Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Luật Phổ biến giáo dục pháp luật khó thực hiện, đặc biệt là nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đã chấp hành xong hình phạt tù... vì các trường hợp này thường mặc cảm, ít tiếp xúc với người xung quanh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, thời gian tới, các thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh phải không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền và các điều kiện tiếp cận rộng rãi thông tin, trong đó có thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các quy định dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Việc triển khai các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị gắn với nhiệm vụ chính trị...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh trao Bằng khen các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2012-2022. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Nam Định Cù Đức Thuận thông tin, hơn 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt Luật Phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 56.830 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn văn bản pháp luật với trên 3.596.840 lượt người tham dự; tổ chức trên 270 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 439.500 lượt người tham gia.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn không có ma túy và tệ nạn xã hội”, “Chi hội nông dân tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản an toàn giao thông”... với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn.

Toàn tỉnh hiện có 3.550 tổ hòa giải với 21.088 hòa giải viên. Thông qua công tác hòa giải, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ trong nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân...

Dịp này, UBND tỉnh Nam Định đã tặng Bằng khen 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, giai đoạn 2012-2022./.

Vũ Văn Đạt

Xem thêm