Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả.
TTXVN - Chiều 23/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022".
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%, góp phần tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Qua việc thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022", hoạt động hòa giải ở cơ sở đã thực hiện tốt vai trò làm cầu nối đưa pháp luật đến với người dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp nhu cầu xã hội và từng đối tượng. Các địa phương, đơn vị nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an, Quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và việc kiểm tra giám sát đối với các hoạt động ở cơ sở.
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm nâng chất, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đủ về số lượng, phẩm chất, năng lực, vững về chính trị, thật sự chuyên nghiệp, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Năm 2022, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã triển khai và hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, đa dạng như: các hội nghị triển khai văn bản pháp luật, sinh hoạt "Ngày pháp luật", thông qua phương tiện thông tin đại chúng, internet và tin nhắn điện thoại.
Thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022", toàn tỉnh đã biên soạn, in ấn 3.500 quyển Sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, 36.000 quyền Bản tin Tư pháp cấp phát đến các sở, ngành, địa phương; có 5 tập huấn viên cấp tỉnh được Bộ Tư pháp quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm; xây dựng được trên 530 tổ hòa giải với trên 2.660 hòa giải viên với đủ thành phần theo quy định.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như mô hình "Hội viên ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật", mô hình "Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý", Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự, Câu lạc bộ cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình,… đã kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để kéo dài, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen 3 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022./.
- Từ khóa:
- Phổ biến
- giáo dục pháp luật
- Hậu Giang