Môi trường

Hậu Giang: Nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường

Hậu Giang

Đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

TTXVN - Sáng 3/2, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tại hội nghị, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đánh giá, qua 2 năm thực hiện đề án, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi nói riêng được thực hiện tốt; ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp những giải pháp kịp thời để thực hiện đề án; cảnh quan, môi trường nông thôn từng bước được cải thiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, căn cứ vào kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong năm 2023, các sở, ngành, địa phương phải tiếp tục tổ chức thực hiện trên tinh thần hết sức trách nhiệm. Sở Tài nguyên và Môi trường giao Chi cục Bảo vệ môi trường sớm hoàn thiện các nội dung cần xin điều chỉnh, bổ sung của đề án phù hợp nhu cầu thực tiễn, khả năng của địa phương. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát các nhu cầu phát sinh để thống nhất bố trí nguồn lực cho việc thực hiện đề án.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục trực tiếp tham gia thực hiện đề án, có kế hoạch giám sát các địa phương trong việc triển khai thực hiện đề án. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đến người dân về nội dung đề án; lồng ghép việc thực hiện đề án vào các chương trình mục tiêu, nguồn lực hiện có của địa phương. UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương sơ kết hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường; rà soát các câu lạc bộ, tổ vệ sinh môi trường của các hội, đoàn thể để điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hoạt động.

Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua tại Kỳ họp thứ 19, Khóa IX (tháng 12/2020).

Đề án nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.

Đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỉnh phấn đấu 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên; phấn đấu 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; duy trì các chỉ tiêu thực hiện đạt 100% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Qua 2 năm (2021 - 2022) thực hiện đề án, tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho trên 163.700 hộ dân (đạt 82,53%) nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 23,85%, ở nông thôn đạt 34,03%; thu gom, xử lý bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt 9,37% (năm 2021) và 20,82% (năm 2022).

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 29.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (đạt 87,02%) và trên 9.700 hộ nuôi trồng thủy sản (đạt 97,16%) phù hợp quy hoạch thực hiện xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; trên 2.430 km đường giao thông được trồng cây xanh, đạt 70,71%./.

Hồng Thái

Xem thêm