Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận những nỗ lực của Cao Bằng, khẳng định các cấp, ngành của tỉnh đã vào cuộc nỗ lực, quyết tâm cao, có trách nhiệm, có một số sáng tạo.
TTXVN - Ngày 24/7, Đoàn giám sát Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.
Thông tin về kết quả thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia tại Cao Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn là hơn 6.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách Trung ương hơn 4.706 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 253 tỷ đồng. Nguồn vốn này phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 2.815 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1.724 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 419 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2023, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. GRDP bình quân đầu người là 39,84 triệu đồng, 48,2% lao động được qua đào tạo, 92% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo chiếm 28,94%, giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76%.
Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư, hoàn thiện hơn 50 km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; trên 150 km đường liên xóm được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; thêm 2 trường và trên 20 trạm y tế được xây dựng kiên cố; thêm 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các mục tiêu về giáo dục, y tế, chăm sóc phụ nữ và trẻ em đều có bước phát triển. Công tác bảo tồn, phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục được quan tâm. Việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện. Mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách Trung ương còn chậm, thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Công tác xây dựng kế hoạch của một số địa phương chưa được chuẩn bị tốt từ khâu xây dựng, lựa chọn danh mục. Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chậm, khảo sát chưa kỹ, chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về nguyên nhân chủ quan, tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa cao; vẫn còn tâm lý e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Tâm lý trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân cũng khiến cho việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt được như mong muốn.
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi một số quy định, điều kiện triển khai thực hiện các công trình, nhất là điều kiện thi công các công trình giao thông đi qua rừng đều phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Cao Bằng có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, hàng nghìn dự án đi qua rừng đều phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ; điều này khiến cho tiến độ thực hiện các dự án bị chậm.
Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận những nỗ lực của Cao Bằng, khẳng định các cấp, ngành của tỉnh đã vào cuộc nỗ lực, quyết tâm cao, có trách nhiệm, có một số sáng tạo. Qua đó, đời sống nhân dân tỉnh Cao Bằng đã được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp tốt hơn trước nhiều, các mục tiêu văn hóa xã hội đều tăng trưởng.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có vốn về sẽ thực hiện ngay, không chờ đến khi có nguồn vốn về mới làm các thủ tục. Đồng thời, tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công, như thành lập các tổ công tác, nhóm chuyên gia để tỉnh hỗ trợ cho huyện, huyện hỗ trợ cho xã theo phương thức "cầm tay chỉ việc", cho đến khi cấp dưới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, tỉnh tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, giải quyết dứt điểm từng vấn đề, tránh đầu tư dàn trải gây kém hiệu quả, lãng phí.
Song song với đó, tỉnh cũng cần tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho các đơn vị, từ đó nâng cao trình độ, khắc phục tâm lý e ngại, né tránh, sợ sai của đội ngũ cán bộ; nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương để Trung ương xem xét; làm rõ những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công...
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tỉnh cần tranh thủ nguồn lực từ ba chương trình này để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương./.