Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn
Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần đầu tư, triển khai mạnh mẽ hệ sinh thái số để bảo đảm “Cử tri ở đâu, Truyền hình Quốc hội có mặt ở đó”.
TTXVN - Sáng 6/1, phát biểu tại lễ kỷ niệm 9 năm Ngày phát sóng đầu tiên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (6/1/2015 - 6/12024), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với nỗ lực không ngừng, Truyền hình Quốc hội đã có bước tiến vượt bậc, nhận được sự yêu mến, tin cậy của đông đảo khán giả, cử tri và nhân dân cả nước.
Để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, để đánh dấu cho chặng đường mới với những bước đột phá mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. “Bên cạnh những nội dung thông tin về hoạt động Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội cũng như những vấn đề Quốc hội quan tâm, cần cung cấp kịp thời cho khán giả những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, những vấn đề thực tiễn mà xã hội đang quan tâm”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ.
Nhắc lại lời nhắn nhủ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Truyền hình Quốc hội về 3 chữ “chuyên” (chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên sâu), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây cũng là định hướng giá trị cho Truyền hình Quốc hội trên chặng đường mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phải là cơ quan thực sự đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về mọi mặt; chú trọng thực hiện tốt trách nhiệm chung của báo chí cách mạng Việt Nam là đóng góp quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng. Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần đầu tư, triển khai mạnh mẽ hệ sinh thái số để bảo đảm “Cử tri ở đâu, Truyền hình Quốc hội có mặt ở đó”. Các chương trình của Truyền hình Quốc hội phải xuất hiện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam để tiếp cận khán giả cũng như cử tri, nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, phát huy sự chuyên nghiệp, chuyên tâm, chuyên sâu vốn có, tập thể lãnh đạo, viên chức, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên người lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới tư duy, hành động để tạo dựng được nhiều thành công hơn nữa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh đã điểm lại một số kết quả nổi bật sau 9 năm phát sóng. Theo đó, ở nhiều chỉ số đánh giá, Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể được xếp ở top đầu trong số 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. Thương hiệu của một số chương trình như: Việt Nam ngày mới; Bản tin Thời sự 20h, Chuyển động 365; Góc nhìn hôm nay; Diễn đàn Kinh tế; Nhận diện lãng phí; Giám sát toàn diện; Cử tri hỏi Đại biểu trả lời… đã dần gây được tiếng vang. Đặc biệt, với một số chương trình mang tính chất độc quyền của Truyền hình Quốc hội Việt Nam như: Tường thuật trực tiếp các phiên thảo luận Luật tại hội trường, World Cup bóng đá nữ…, độ nhận diện với cử tri và khán giả truyền hình cả nước đã được cải thiện rõ rệt.
Khẳng định đổi mới là một hành trình không có điểm dừng, ông Lê Quang Minh cho biết, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2024, Truyền hình Quốc hội Việt Nam ra mắt những chương trình mới và nhận diện mới. Tổng Giám đốc Lê Quang Minh bày tỏ hy vọng, năm 2024 sẽ là năm bản lề trong chặng đường phát triển của Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.