Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở
Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”.
(TTXVN) Sáng 6/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2022, triển khai công tác năm 2023. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
* Phát hiện 116 vụ việc, 153 người liên quan đến tham nhũng
Theo Báo cáo công tác năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Toàn ngành đã triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, công tác chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực...
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tiền, tài sản đạt cao hơn năm trước.
Trong năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và khoảng 222.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 85.990 tỷ đồng, 8.777 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính hơn 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.
Về kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương.
Quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương. Cụ thể, 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm; nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao như Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%, Hải Phòng 95,8%, Quảng Trị 95,2%... Trong đó, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra; thu hồi các khoản tiền do vi phạm...
Trong việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, có hơn 430.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.
“Trong kỳ báo cáo có 39 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người. Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 116 vụ việc, 153 người liên quan đến tham nhũng” - báo cáo nêu rõ.
* Chú trọng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ những khó khăn và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng với những kết quả đã đạt được của ngành Thanh tra.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2026, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, ngành tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, trong đó khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn, đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật. Định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2023 triển khai theo hướng trọng tâm, hiệu quả; tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
“Lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra.
Một nhiệm vụ khác được Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Thanh tra tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả ý kiến kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Bên cạnh đó, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện lên Trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo quy định, các kết luận, chỉ đạo. Trong đó, ngành triển khai giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. Cùng với đó là tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng... nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập và khẩn trương triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; triển khai các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
- Từ khóa:
- Thanh tra Chính phủ
- khiếu nại tố cáo