Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với ba tỉnh về Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính
Phó Thủ tướng đề nghị, các tỉnh quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương; với việc thực hiện các dự án đang còn tồn đọng, các tỉnh cần vận dụng pháp luật phù hợp, duy trì các Ban quản lý dự án cấp khu vực để tiếp tục điều hành dự án.
Ngày 21/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông về thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Thường vụ 3 tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; đồng thời nêu các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đối với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn công tác để chuẩn bị cho việc sáp nhập 3 tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện của 3 tỉnh. Đến nay, 15/15 sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông hoàn thành việc xây dựng Đề án sáp nhập các sở, ban, ngành của 3 tỉnh. Địa phương đã tiến hành thống kê số lượng, diện tích và hiện trạng sử dụng của từng trụ sở; xây dựng phương án bố trí trên cơ sở sử dụng các trụ sở hiện có để bố trí hoạt động ngay, hạn chế việc sửa chữa lớn kéo dài, đáp ứng được điều kiện để làm việc…
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác cải tạo, sửa chữa để bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động ngay sau khi đơn vị hành chính cấp tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh dự kiến sắp xếp đủ nơi ở cho 2.500 cán bộ công chức làm việc tại thành phố Đà Lạt.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh báo cáo kết quả xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện; lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện Đề án, báo cáo Chính phủ theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, đã hoàn thành vào ngày 28/4/2025. Việc triển khai các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương đã được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quyết khai thực hiện với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; từ đó, đã hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện; đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu theo chỉ đạo của Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung báo cáo, đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều xã, phường hiện nay có quy mô dân số, diện tích nhỏ, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển. Việc hợp nhất giúp hình thành các đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn để có không gian phát triển, thu hút đầu tư; góp phần tái cơ cấu không gian phát triển giữa nông thôn - đô thị, giữa trung tâm - vùng sâu, vùng xa.
Ba tỉnh đều thống nhất đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 28 từ quy mô cấp IV lên quy mô đường cấp III - miền núi và kiến nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 28 đoạn Gia Nghĩa - Đắk Som - Di Linh (giao với Quốc lộ 20) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất chủ trương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận; bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo đúng quy định với tiêu chí bảo đảm kết nối thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) - thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) - thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông)…
Ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ba tỉnh kiến nghị Chính phủ có các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh đặc thù như: Lâm Đồng (diện tích rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc cao, đóng góp ngân sách hạn chế nhưng có tiềm năng tài nguyên đất đai canh tác, trữ lượng khoáng sản lớn...); có cơ chế, chính sách thông thoáng trong phê duyệt các dự án, kêu gọi đầu tư... hoặc có chính sách, cơ chế đặc thù tài chính - ngân sách cho phép tỉnh giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và năng lượng để tái đầu tư hạ tầng; qua đó, tạo đòn bẩy để tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ, phát huy mọi nội lực đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước và vươn lên thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá, sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có một không gian rộng lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc sáp nhập này được người dân cả 3 tỉnh đồng thuận ủng hộ với tỷ lệ rất cao. Cả ba tỉnh đã cố gắng triển khai các bước chuẩn bị cho việc sáp nhập, việc bố trí nhân sự tuy chưa có kết quả cuối cùng, nhưng đã làm việc với nhau với tinh thần đồng thuận.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, thời gian tới, các tỉnh tập trung vào công tác nhân sự; bố trí cán bộ dựa trên cơ sở trình độ năng lực và kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn trước. Về nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội đảng cấp tỉnh, địa phương cần giao 1 Phó Bí thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chuẩn bị văn kiện. Việc xây dựng văn kiện không phải tích hợp cơ học văn kiện của ba tỉnh, mà phải dựa trên các điều kiện của một không gian mới, thế mạnh mới để đề ra các nội dung phù hợp.
Phó Thủ tướng đề nghị, các tỉnh quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương. Với việc thực hiện các dự án đang còn tồn đọng, các tỉnh cần vận dụng pháp luật phù hợp, duy trì các Ban quản lý dự án cấp khu vực để tiếp tục điều hành dự án. Với kiến nghị của các tỉnh, Phó Thủ tướng cho phép các tỉnh sáp nhập có một bộ phận hoạt động ở trung tâm tỉnh cũ để tận dụng cơ sở hạ tầng, gần dân nhằm giải quyết các công việc sự vụ; đồng thời giảm áp lực cho bộ máy ở trung tâm tỉnh mới thành lập. Các tỉnh tập trung giải quyết hết các tồn đọng để sau khi sáp nhập không còn tồn đọng cũ, đặc biệt không để xảy ra tình trạng làm thất lạc hồ sơ của người dân trong quá trình giải quyết…/.