Chính phủ hành động

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp

Hải Dương

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Sáng 18/12, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, đây là cuộc Tổng điều tra quy mô lớn, được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra. Quá trình điều tra sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý số liệu và công bố kết quả, nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, rút ngắn quá trình xử lý thông tin và công bố kết quả.

Tuyển chọn điều tra viên có trách nhiệm

Nhấn mạnh tầm vóc, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra, giúp cho việc điều hành chỉ đạo vĩ mô, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương, theo Phó Thủ tướng, nếu làm sớm, những thông tin từ cuộc tổng điều tra này có thể đưa vào văn kiện Đại hội sắp tới và hình thành trung tâm dữ liệu lớn mà chúng ta đang xây dựng.

Phó Thủ tướng đề nghị các Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là bộ phận tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, quan tâm chỉ đạo cuộc tổng điều tra. Trưởng ban Chỉ đạo địa phương phải đầu tư vào nhiệm vụ này.

“Chúng ta chỉ yêu cầu các điều tra viên phải cần mẫn, đến vùng sâu, vùng xa, còn chúng ta không quan tâm là không được. Tổng điều tra có ý nghĩa quan trọng cho chính địa phương, lãnh đạo địa phương muốn có được thông tin chính xác thì phải quan tâm chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ quan trọng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện kế hoạch cho tốt, lưu ý các kiến nghị địa phương nêu ra như hình thành trang web để thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn, tuyên truyền; phiếu điều tra phải thiết thực, đồng loại và có khả năng kiểm chứng.

Cùng với đó, phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến tận người dân trên nền tảng số và bằng phương cách truyền thống như qua các phương tiện thông tin truyền thông. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm xây dựng nội dung tuyên truyền và trang web tra cứu.

Các cơ quan truyền thông bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, cần quan tâm tuyên truyền về cuộc Tổng điều tra theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê để người dân hiểu, có trách nhiệm trả lời sao cho đúng.

Nhắc đến câu ngạn ngữ của phương Tây, "một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật", mà là thông tin giả, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cố gắng phải lấy được thông tin thật, lấy thông tin giả là thất bại. Số liệu thống kê là quan trọng, chỉ đạo có đúng hay không, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, quyết sách đúng không là trên cơ sở các thông tin này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý công tác tuyển chọn đội ngũ điều tra viên phải thật tốt, tuyển người có trách nhiệm, gắn bó với địa bàn, am hiểu công nghệ, hiểu về nông nghiệp, nói với người dân phải dễ hiểu, rõ ràng và chịu khó lắng nghe. Đồng thời, chú trọng công tác tập huấn, trong đó có tập huấn nghiệp vụ điều tra, thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng “cầm tay chỉ việc”, đặc biệt là phải nhắc nhở điều tra viên về trách nhiệm trong việc đến vùng khó khăn, thu thập thông tin chính xác.

Căn cứ vào quy định hiện hành để chi trả chế độ chính sách đối với điều tra viên cho phù hợp, nếu có thể thì tăng suất chi cao hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến cơ sở, có báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ tham mưu để làm tốt hơn định mức chi cho điều tra viên.

Phó Thủ tướng cũng nhắc tới trách nhiệm cụ thể của các bộ với yêu cầu thực hiện tốt những nội dung kế hoạch đã nêu: Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản đồ tư liệu; Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo đường truyền thông tin, vấn đề bảo mật, công tác tuyên truyền; Bộ Tài chính đảm bảo nguồn lực; Bộ Kế hoạch và Đầu tư/Tổng cục Thống kê có vai trò chủ công, bám sát địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp . 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Nhiều điểm mới

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê. Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 là cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với 675 thành viên; có 511/610 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện (4.131 thành viên), có 5.600/8.121 phường, xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 được thiết kế có nhiều điểm mới so với các kỳ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần trước. Thông tin thu thập nhiều hơn so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông – lâm – thủy sản, cơ cấu lao động nông thôn. Thu thập thông tin với mức độ bao phủ đầy đủ hơn, trong đó thu thập thông tin của toàn bộ cây trồng, vật nuôi của hộ thay vì chỉ thu thập thông tin đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu.

Đồng thời, khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập thông tin từ thực địa giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra. Thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung; rút ngắn thời gian thu thập thông tin so với phiếu giấy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đều thể hiện cam kết triển khai quyết liệt, hiệu quả cuộc Tổng điều tra; đề nghị Ban Chỉ đạo tập huấn cho các cơ quan, đơn vị để triển khai cho tốt, có phụ cấp thỏa đáng cho điều tra viên, chuẩn bị đường truyền thông suốt trong quá trình thực hiện cuộc tổng điều tra.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị mẫu phiếu điều thu thập thông tin phải đơn giản, rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng và phải kiểm chứng được để loại trừ sai lệch.

Là 1 trong 5 địa phương thí điểm điều tra, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết, tháng 11/2024, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, do Phó Chủ tịch làm Trưởng ban Chỉ đạo. Đến nay có 8 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Vị đại diện này đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương sớm hoàn thiện các biểu mẫu với kế hoạch cụ thể./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm