Ngay trong tháng 3, Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí, làm cơ sở để phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam.
TTXVN - Chiều 19/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Báo toàn quốc năm 2023 với với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” do Hội Nhà báo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bế mạc.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc thành công.
Phó Thủ tướng đánh giá, Hội Báo toàn quốc năm 2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay thực sự là ngày hội lớn, giới thiệu thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ người làm báo, phản ánh nhiều góc cạnh ấn tượng của cuộc sống. Qua ba ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy ắp các sự kiện, Hội Báo đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà báo và công chúng cả nước.
Thông điệp “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” được thể hiện rõ nét qua hầu hết các sự kiện thiết thực, hấp dẫn vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với công chúng, vừa góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các Hội Nhà báo địa phương. Đặc biệt, các hoạt động trao đổi nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội Báo đã bám sát những vấn đề thời sự cho thấy báo chí cách mạng Việt Nam đang theo sát xu thế chuyển đổi số, ứng dụng dụng trí tuệ nhân tạo.
Phó Thủ tướng lưu ý, chỉ còn hơn 2 năm nữa, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong bối toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự chuyển động nhanh của thế giới, thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Để làm được điều đó, mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.
Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số; hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.
“Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Hội Nhà báo Việt Nam - ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên; đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí. Từ đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Ngay trong tháng 3 này Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác - đại chúng - nhân văn - khách quan.
Các bộ, ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cảm ơn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những đánh giá tích cực về hoạt động báo chí nói chung và Hội Báo toàn quốc năm 2023; đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để lãnh đạo, triển khai các hoạt động của Hội Nhà báo nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Ban Tổ chức và Hội đồng Giải thưởng đã chấm và quyết định trao các giải thưởng gồm: Giải Phát thanh - Truyền hình Tết ấn tượng, Giải Giao diện báo điện tử Tết ấn tượng, Giải Bìa báo Tết ấn tượng, Giải Gian trưng bày ấn tượng, Giải ấn tượng Hội Báo 2023; tặng Giấy khen cho các đơn vị có đóng góp vào thành công của Hội Báo.
Cụ thể, giải A "Chương trình Phát thanh Tết ấn tượng" được trao cho tác phẩm “Chuyện về những người mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình” Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban tổ chức còn trao 2 giải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích cho các tác phẩm phát thanh chất lượng.
Giải A "Chương trình Truyền hình Tết ấn tượng" được trao cho tác phẩm “Hiệp định Paris và 50 năm mùa Xuân lịch sử” của Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị. Ngoài ra còn có 2 giải B, 5 giải C và 6 giải Khuyến khích được trao cho các chương trình truyền hình chất lượng.
Giải A "Giao diện báo điện tử Tết ấn tượng" được trao cho Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam). Ban tổ chức còn trao 2 giải B, 3 giải C, 5 giải Khuyến khích cho các giao diện báo điện tử Tết ấn tượng khác.
Giải A “Bìa báo Tết ấn tượng” được trao cho Báo Nhân Dân. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải B, 7 giải C, 22 giải Khuyến khích cho các ấn phẩm có bìa báo Tết ấn tượng năm 2023.
Giải “Gian trưng bày ấn tượng” có 2 giải A được trao cho Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam và Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban tổ chức trao 4 giải B, 9 giải C, 24 giải Khuyến khích cho các gian trưng bày ấn tượng.
"Giải ấn tượng Hội báo toàn quốc 2023" được trao cho Khối Báo chí Quân đội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Liên chi Hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tặng Giấy khen cho những đơn vị có đóng góp tích cực vào thành công của Hội Báo toàn quốc năm 2023.
Tại Hội Báo toàn quốc năm nay, Thông tấn xã Việt Nam vinh dự giành được nhiều giải thưởng. Cụ thể, Giải A “Giao diện báo điện tử Tết ấn tượng” được trao cho Báo điện tử Vietnamplus; Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam được nhận giải B giải “Gian trưng bày ấn tượng”; tác phẩm “Khát vọng số” của Trung tâm Truyền hình Thông tấn giành giải C "Chương trình Truyền hình Tết ấn tượng"; Báo Le Courrier du Vietnam giành Giải Khuyến khích "Giải Bìa báo Tết ấn tượng"./.