Thời sự

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

TP. Hồ Chí Minh

Hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông một cách thực tế. Từ những đánh giá bài bản, thấu đáo sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ cho các địa phương triển khai hiệu quả chương trình

gỡ khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, với đặc thù của một đô thị lớn, việc triển khai chương trình ở thành phố cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại, khó khăn. Nhất là yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang khiến các địa phương đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp trong bối cảnh thiếu quỹ đất, khó khăn về vốn, thủ tục đầu tư.

Chương trình, sách giáo khoa mới với nhiều hoạt động, môn học mới đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chuẩn bị đội ngũ; thiếu giáo viên, đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp chưa đáp ứng là những khó khăn mà nhiều địa phương gặp phải.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông một cách thực tế. Từ những đánh giá bài bản, thấu đáo sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ cho các địa phương triển khai hiệu quả chương trình.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,7 triệu học sinh phổ thông. Thống kê cho thấy, mỗi năm thành phố tăng khoảng 40.000 học sinh, nhất là các quận 12, Bình Tân, Bình Chánh… dẫn đến áp lực rất lớn trong việc đảm bảo trường, lớp, đội ngũ giáo viên. Mỗi năm thành phố xây khoảng 1.000 - 1.500 phòng học mới, nhưng chỉ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng chứ khó tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua thành phố chỉ xây được hơn 600 phòng học. Thực tế này dẫn đến, nhiều lớp, trường ở một số địa phương có sĩ số học/lớp cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu bậc tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Hiện tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của thành phố đạt 74%, nhưng ở một số địa phương tỷ lệ này còn rất thấp, chỉ hơn 20%. Các quận, huyện đều nỗ lực để tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các lớp đang thực hiện chương trình mới, hoặc tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần để đảm bảo chất lượng chương trình. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, nhằm tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp.

Ngành Giáo dục thành phố đang phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn bồi dưỡng 100% giáo viên triển khai chương trình mới. Cùng với đó, Sở cũng đặt hàng 2 trường nay để đào tạo giáo viên cho các môn mới. Năm 2024, lứa giáo viên đầu tiên được đào tạo Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý sẽ tốt nghiệp, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, bên cạnh sử dụng đội ngũ này làm nòng cốt để triển khai hiệu quả chương trình mới, thành phố tiếp tục bồi dưỡng giáo viên hiện có để dạy môn tích hợp.

Về khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khung chương trình các môn tích hợp ở bậc học này chỉ yêu cầu học sinh đạt được kiến thức ở mức cơ bản chứ không cần chuyên sâu như bậc trung học phổ thông. Qua khảo sát thực tế, phần lớn giáo viên gặp khó khăn khi đứng lớp các môn tích hợp là do thầy cô chưa lĩnh hội đầy đủ tinh thần chương trình mới. Giáo viên phải nhận thức đầy đủ nhất tinh thần chương trình để tránh làm nặng chương trình, tăng áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ  nhấn mạnh, Nghị quyết số 88/2014/QH13 là một cuộc cách mạng về giáo dục, khi đổi mới từ mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Vì thế, để chương trình triển khai hiệu quả trong thực tế, đội ngũ toàn ngành cần có nhận thức đúng tinh thần chương trình mới và quyết tâm thực hiện.

Từ những khó khăn trong thực tế triển khai, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhiều kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, để thành phố triển khai hiệu quả chương trình, sách giao khoa mới trong thời gian tới. Trong đó, Đoàn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn liên Bộ về ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên, triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để Sở Giáo dục và Đào tạo có căn cứ đề nghị các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn Tiếng Anh, Tin học; có hướng dẫn tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, Tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ. Đồng thời cần có quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc sửa đổi bổ sung các quy định còn bất cập.Đồng thời, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn để tuyển giáo viên dạy các môn mới; nghiên cứu đánh giá kỹ kết quả việc triển khai dạy các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở và có giải pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng dạy và học các môn học này… Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan tháo gỡ khó khăn trong việc đấu thầu tập trung mua sắm máy tính cho chương trình giáo dục phổ thông; đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm tài sản công để các trường kịp thời trang bị, mua sắm thiết bị dạy học; có quy định đặc thù, linh hoạt trong quy chuẩn xây dựng trường học đối với các địa phương khu vực trung tâm các đô thị gặp khó khăn về quỹ đất (về số tầng, mật độ xây dựng)./.

Lý Thu Hoài

Xem thêm