Thực thi chính sách

Đào tạo cho công chức cấp xã và bộ phận một cửa về quy trình thủ tục hành chính

An Giang

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cải cách thủ tục hành chính chưa hiệu quả do công chức cấp xã chưa được tập huấn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

TTXVN - Ngày 17/3, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang kiểm tra tình hình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Hùng đánh giá cao công tác triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh An Giang; đồng thời cho biết, qua kiểm tra thực tế của Đoàn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn cho thấy, việc khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cải cách thủ tục hành chính chưa hiệu quả do công chức cấp xã chưa được tập huấn. Việc số hóa hồ sơ thực hiện chưa đúng quy định, một số nơi còn thực hiện thủ công, chưa khoa học. Tỷ lệ giải quyết trực tuyến tuy cao nhưng còn mang tính hình thức; nhận thức của công chức về giải quyết hồ sơ trực tuyến chưa đầy đủ còn tiếp nhận trực tiếp… Một số nơi, công chức cấp xã còn yêu cầu người dân làm thủ tục cung cấp sổ hộ khẩu giấy, Căn cước công dân photo công chứng khi đến giải quyết thủ tục hành chính…

Ông Phạm Minh Hùng đề nghị, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính, kỹ năng khai thác dữ liệu dân cư… cho công chức cấp xã và bộ phận một cửa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ghi nhận những đóng góp của Đoàn công tác; đồng thời yêu cầu, Sở Nội vụ tăng cường đào tạo, tập huấn cho công chức cấp xã và bộ phận một cửa những kiến thức, quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Từ đó, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhằm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính. Địa phương mong muốn, Đoàn công tác tham mưu Chính phủ, bộ, ngành điều chỉnh, bổ sung một số quy định, chính sách để địa phương thuận lợi trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính.

Tỉnh đề nghị Chính phủ bố trí và cấp nguồn kinh phí cho Đề án 06/CP để đảm bảo nguồn lực cũng như việc đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tại địa phương; đề xuất các bộ, ngành Trung ương sớm điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình nội bộ, quy trình điện tử có yêu cầu nộp, xuất trình như: Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú theo Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, ngày 21/12/2022 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công) để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Cụ thể: Cải cách thể chế ngày càng được hoàn thiện, văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, kiểm tra, xây dựng và ban hành đảm bảo tính hợp pháp, hiệu quả, khả thi, kịp thời. Thủ tục hành chính ngày càng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện... Nhờ đó, tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết đúng và sớm hạn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã luôn đạt tỷ lệ cao. An Giang đã giảm 25 phòng chuyên môn thuộc sở; giảm 2 chi cục; giảm 26 phòng thuộc chi cục và tương đương. Tỉnh đã rà soát, sắp xếp giảm 5 phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện; thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, giải thể giảm 123 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, đạt 12,42%. Giai đoạn 2015 - 2021, An Giang đã cắt giảm biên chế hành chính được 453 trường hợp, đạt 10,37%; biên chế sự nghiệp cắt giảm 5.105 trường hợp, đạt 11,22%. Từ đó, tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

UBND tỉnh đã ban hành các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin như: Đề án An Giang điện tử, thành lập Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; triển khai hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh, kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; liên thông phần mềm một cửa của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương… Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ yêu cầu phát triển.

Hiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã thực hiện kết nối chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp dịch vụ xác thực thông tin công dân và tra cứu thông tin công dân (20 trường dữ liệu) để lấy những trường cần thiết tự động điền vào form thông tin người nộp hồ sơ. Tuy nhiên, hiện hệ thống chỉ kết nối và cung cấp dịch vụ “Xác thực thông tin công dân”, “Tra cứu thông tin công dân”; chỉ khai thác được 9/20 trường dữ liệu; chưa cung cấp dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình” theo hướng dẫn Văn phòng Chính phủ.

Trước những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh An Giang, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ phản ánh với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ kịp thời./.

Thanh Sang

Xem thêm