Xã hội

Phối hợp giám sát và giáo dục trẻ em khi tham gia không gian mạng

Hội nghị tập trung thảo luận về việc lắng nghe ý kiến trẻ em và những biện pháp nâng cao công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay.

Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ ba khóa IX, giai đoạn 2023-2028
Ảnh: Hạnh Quyên-TTXVN

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ ba khóa IX, giai đoạn 2023-2028, đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị tập trung thảo luận về việc lắng nghe ý kiến trẻ em và những biện pháp nâng cao công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh, trẻ em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để sử dụng internet an toàn. Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát và giáo dục trẻ em khi tham gia không gian mạng; lên án và xử lý mạnh mẽ các ứng dụng, trang web có nội dung độc hại.

Tại nhiều địa phương, trẻ em đã đề nghị cải thiện cơ sở vật chất học tập, tăng cường hoạt động ngoại khóa và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống. Các em nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, giới tính và sức khỏe sinh sản, đặc biệt ở bậc Trung học cơ sở. Đồng thời, các em mong muốn giảm áp lực thi cử và hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm quá nhiều.

Bên cạnh đó, trẻ em đề nghị tăng cường giáo dục kỹ năng xử lý xung đột thông qua các buổi học giúp học sinh biết cách giải quyết mâu thuẫn, tôn trọng sự khác biệt và xây dựng tình bạn lành mạnh; có đường dây nóng hỗ trợ học sinh để khi bị bạo lực để có thể chia sẻ mà không lo bị kỳ thị hay trả thù…

Các kỳ họp "Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh và huyện là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của các tổ chức trong việc lắng nghe ý kiến trẻ em. Đến năm 2024, cả nước đã thành lập 23 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 63 Hội đồng trẻ em cấp huyện, tổ chức tổng cộng 32 kỳ họp cấp tỉnh và 106 kỳ họp cấp huyện. Chương trình "Quốc hội Trẻ em", với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố, là một bước tiến lớn trong việc nâng cao vai trò của trẻ em trong các quyết định chính sách. Những chủ đề như phòng chống bạo lực học đường hay tác hại của thuốc lá điện tử được các em thảo luận và đưa ra những kiến nghị xác đáng.

Theo các đại biểu, dù đạt được nhiều thành tựu, việc lắng nghe và hành động vì trẻ em vẫn đối mặt với không ít thách thức. Nhiều trẻ em tại vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu cơ hội bày tỏ ý kiến. Việc thực thi các đề xuất đôi khi chưa kịp thời, dẫn đến khoảng cách giữa nguyện vọng và thực tế. Trong tương lai, cần tăng cường triển khai các mô hình Hội đồng trẻ em, mở rộng cơ hội cho các em ở mọi vùng miền được tham gia đóng góp ý kiến. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về quyền trẻ em.

Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam Đồng Mạnh Hùng chia sẻ, công tác tuyên truyền đã lan tỏa nhiều hoạt động của Đội, nhưng các cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến trẻ em. Ông Đồng Mạnh Hùng cho rằng đây là thời điểm phù hợp để đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng một kênh chuyên đề dành riêng cho thiếu nhi, đồng thời Trung ương Đoàn cần chủ động hơn trong truyền thông, đặc biệt về các vấn đề xâm hại và bạo lực trẻ em.

Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng nhận định rằng, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành vẫn rất phức tạp. Do đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền và trang bị kỹ năng cho các em.

Phó Bí thư Thành đoàn Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt nhấn mạnh, diễn đàn "Quốc hội Trẻ em" là một mô hình hay trong việc lắng nghe tiếng nói trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý và giải đáp thắc mắc của thiếu nhi vẫn chưa sát sao. Thời gian tới Hội đồng Đội thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo Cung thiếu nhi thực hiện nhiều chương trình ngoại khóa về địa chỉ đỏ cũng nhưng đào tạo kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, xâm hại cho thiếu nhi; tổ chức giao lưu giữa các cung, nhà thiếu nhi, để học hỏi.

Những ý kiến và nguyện vọng của các em, nếu được thực hiện đúng cách, sẽ tạo nền tảng cho một xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Qua đó, tiếng nói trẻ em sẽ không chỉ là lời nói, mà là động lực để hành động và thay đổi./.

Hạnh Quyên

Tin liên quan

Xem thêm