Xã hội

Đổi mới giám sát: Ưu tiên những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân

TP. Hồ Chí Minh

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng đi vào nề nếp, xác định rõ đối tượng, nội dung và hình thức giám sát, phản biện xã hội.


Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.
 Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động giám sát ngày càng chuyên nghiệp, bài bản có trọng tâm và nhân dân ngày càng tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Đó là ý kiến thống nhất tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Thông tri số 24-TT/TU ngày 19/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức ngày 19/12.

Triển khai Chỉ thị 18 và Thông tri số 24, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tiến hành giám sát 10 nội dung đối với 36 tổ chức và 3 cá nhân. MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và cấp xã, phường, thị trấn đã chủ trì tổ chức 1.689 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội…

Về hoạt động phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì tổ chức phản biện xã hội đối với một số vấn đề mang tính thời sự, quan trọng của đời sống xã hội như dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đất; dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030… Qua đó, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị nhân sĩ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, luật gia, thành viên tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức được gửi đến cơ quan soạn thảo.

Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình đóng góp ý kiến tại Hội nghị. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Mặt trận các cấp đã tổ chức 447 hội nghị phản biện xã hội đối với các chương trình, kế hoạch của UBND cùng cấp, với sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến, phản biện sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng đi vào nề nếp, xác định rõ đối tượng, nội dung và hình thức giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời phát huy được vai trò của các thành viên Hội đồng tư vấn và Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia đoàn giám sát.

Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đạt được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận trong công tác giám sát, đặc biệt là cầu nối nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và của địa phương, đáp ứng một cách tương đối các yêu cầu nhiệm vụ giám sát.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận Thành phố vẫn còn khó khăn, hạn chế trong triển khai ở cấp cơ sở, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời… Vì thế, thời gian tới, hệ thống MTTQ Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cần nghiên cứu và có giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị hệ thống Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó là nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ thống Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; tăng cường giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư …/.

Nguyễn Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm