Các mối đe dọa an ninh y tế, trong đó bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính của các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
TTXVN - Ngày 30/3, tại Đà Nẵng, Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị “Khoa học y học dự phòng toàn quốc năm 2023” với chủ đề “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia thảo luận, trình bày 41 báo cáo khoa học tại phiên họp toàn thể và 4 phiên họp chuyên đề, cùng với 82 báo cáo treo dạng poster. Nội dung của các báo cáo tập trung về các lĩnh vực như: Chính sách y tế dự phòng ở Việt Nam; thành tựu và thách thức trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thực trạng và giải pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm; những vấn đề sức khỏe có liên quan đến dinh dưỡng - an toàn thực phẩm ở Việt Nam…
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hội nghị là cơ hội để cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hành, tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả nghiên cứu khoa học và các đóng góp nổi bật cho tri thức chung của các nhà khoa học, các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến y học dự phòng và y tế công cộng. Đây cũng là dịp để Hội Y học dự phòng Việt Nam, các đơn vị liên quan đồng thuận định hướng các hoạt động chung và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xây dựng hệ thống y học dự phòng vững mạnh, hiện đại, đủ khả năng giải quyết các thách thức trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống hiệu quả bệnh truyền nhiễm gây dịch đặc biệt nguy hiểm và mới nổi. Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, lối sống và tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe…
Bà Nguyễn Thị Liên Hương hy vọng, hội nghị sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Bộ Y tế luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ và phối hợp với Hội Y học dự phòng Việt Nam, các đơn vị liên quan trong công tác phát triển Hội, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đề xuất xây dựng chính sách, phát triển hệ thống và nguồn nhân lực y tế; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy đoàn kết, tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ y tế với lòng nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cập nhật về bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và các mối đe dọa an ninh y tế toàn cầu, bà Đỗ Thị Hồng Hiên (Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) cho hay, thế giới đã bước vào năm thứ tư ứng phó với virus SARS-CoV-2 và tới nay COVID-19 vẫn là một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC) - mức độ cao nhất theo quy định của Điều lệ Y tế Quốc tế - IHR(2005). Đến ngày 5/3/2023, hơn 759 triệu ca bệnh khẳng định và 6,8 triệu ca tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu.
Trong vòng 28 ngày qua vẫn có hơn 4,5 triệu ca bệnh mới và 32.000 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu. Các biến thể đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện và không ngừng biến đổi, vì vậy các quốc gia cần cảnh giác.
Ngoài ra, sự bùng phát dịch bệnh do đậu mùa khỉ (mpox) tại nhiều quốc gia vẫn duy trì tình trạng PHEIC. Từ ngày 1/1/2022 đến 27/2/2023, đã có ít nhất 86.000 ca bệnh đậu mùa khỉ khẳng định và 100 ca tử vong được báo cáo tới WHO từ 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục đối mặt với các dịch bệnh lưu hành như bệnh cúm mùa, sốt xuất huyết dengue và các bệnh tái nổi như bệnh do virus Marburg, bệnh tả, cúm gia cầm như A(H5N1), A(H5N6)… Đe dọa về thiên tai cũng làm trầm trọng hơn các mối nguy hại cho sức khỏe tại nhiều nơi trên thế giới bao gồm cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các mối đe dọa an ninh y tế, trong đó bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính của các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Khung hành động chiến lược về an ninh y tế (HSAF) liên khu vực của WHO đang được xây dựng, sẽ định hướng và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc củng cố năng lực chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng./.