Hai Phu nhân cùng Đoàn đại biểu đã thăm quan, tìm hiểu thực tế việc ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí tại một số gia đình trong Làng SOS Thái Bình.
TTXVN-Chiều 6/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bà Vandara Siphandone - Phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và bà Lê Thị Bích Trân - Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng đại diện Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Báo chí, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tới thăm, tặng quà các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Làng trẻ em SOS Thái Bình.
Tại đây, hai Phu nhân cùng Đoàn đại biểu đã thăm quan, tìm hiểu thực tế việc ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí tại một số gia đình trong Làng SOS Thái Bình.
Giám đốc Trung tâm Làng trẻ em SOS Thái Bình Nguyễn Văn Tân báo cáo, Làng được thành lập năm 2013. Nhiệm vụ của Làng là tiếp nhận và nuôi dưỡng, giáo dục, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu của trẻ, tiến hành hướng nghiệp và tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.
Từ ngày 22/12/2013 đến tháng 12/2023, Làng nuôi dưỡng và hỗ trợ 218 trẻ em. Hiện tại, Làng đang nuôi dưỡng 136 trẻ em; trong đó, 82 trẻ sống tại 14 nhà gia đình; 31 cháu sống tại Lưu xá thanh niên; 15 cháu học Cao đẳng, Đại học; 8 cháu bán tự lập.
Làng có hai con đã lập gia đình, cuộc sống hiện tại tương đối ổn định. 100% các con của Làng đều được chăm sóc và phát triển toàn diện về sức khỏe, học tập và phát triển các kỹ năng xã hội. Tất cả các con của Làng đều được đi học tại các trường học trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhất là, Làng có hai con tự học và thi IELTS đạt 7.5 trở lên. Làng có nhiều con học đại học nằm trong Top đầu của cả nước. Về chương trình chăm sóc trẻ bởi thân nhân tại cộng đồng, Làng đã hỗ trợ 310 cháu và hiện đang hỗ trợ 32 cháu theo học Đại học...
Cùng ngày, hai Phu nhân và Đoàn đại biểu đã đến thăm Làng nghề dệt đũi (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương). Tại đây, hai Phu nhân đã đi bộ tham quan làng lụa đũi, thăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đặc trưng của Bắc Bộ, thăm Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao, xem nghệ nhân kéo sợi, quay tơ, nghe hát chèo, thưởng thức trà xanh và đặc sản bánh cáy Thái Bình, trải nghiệm cùng nghệ nhân quay tơ, đánh ống kéo đũi...
Nghề dệt đũi ở xã Nam Cao đã có hơn 400 năm tuổi và đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, làng vẫn còn khoảng 200 hộ dân gắn bó với nghề truyền thống này. Đặc biệt, sản phẩm lụa đũi của làng nghề này có đến 60% công đoạn được làm thủ công. Các sản phẩm lụa đũi của làng đang được xuất khẩu chủ yếu sang Lào, Thái Lan, châu Âu…/.