An sinh

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự lực vươn lên, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Sóc Trăng

Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế được Hội Phụ nữ triển khai đã từng bước giúp các chị em Sóc Trăng thoát nghèo.

Bà Tiền Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ngã Năm (đứng giữa) tham quan mô hình vườn cây ăn trái hội viên. 
Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Sóc Trăng, tỉnh có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế trong hội viên, từng bước giúp hội viên thoát nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tạo điều kiện cho hội viên thoát nghèo

Gia đình chị Lý Thị Bích Thủy (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới) là hộ dân tộc Khmer, hơn 10 năm trước còn là hộ nghèo, tài sản lớn nhất của gia đình 2000 m2 đất sản xuất lúa, đời sống gia đình hết sức khó khăn. Chị Lý Thị Bích Thủy chia sẻ, năm 2015, chị được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã cùng ngành chuyên môn tổ chức. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi. Với sự siêng năng, cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, gia đình chị mua thêm được 12 công ruộng. Cùng với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng của chồng chị Thủy đi làm thợ xây, gia đình chị từ đó đã xây dựng được nhà kiên cố; hiện tổng thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm.

Mô hình vườn cây ăn trái của hội viên phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. 
Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Cách đó không xa, chị Trần Thị Bé Ngân (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) hơn 3 năm trước cũng là hộ nghèo. Từ khi tham gia lớp đào tạo nghề đan đát lục bình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã mở, gia đình chị có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống. Chị Trần Thị Bé Ngân chia sẻ, Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa giới thiệu tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đan đát lục bình. Hiện bản thân chị vừa làm việc nhà, vừa có thêm thu nhập gần 200.000 đồng/ngày, cộng với chồng đi làm thuê nên cuộc sống gia đình thêm thoải mái hơn. Cuối năm 2024, gia đình chị đã thoát nghèo.

Theo bà Tiền Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch về hỗ trợ thoát nghèo, cận nghèo. Đồng thời, các cấp Hội còn vận động hộ phụ nữ khá giàu giúp 134 phụ nữ hộ nghèo, nhất là quan tâm đến hộ dân tộc Khmer. Hội tổ chức tuyên truyền nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, con giống, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội,…

Bà Tiền Thị Thu Trang cho biết, muốn phát triển kinh tế, nguồn vốn là yếu tố quyết định nên Hội luôn tạo mọi điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn để phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn có 65 tổ tiết kiệm và vay vốn (Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã), quản lý với tổng dư nợ 143,326 tỷ đồng, giúp 3.326 thành viên vay để phát triển kinh tế. Hiện tổng số hội viên trên địa bàn thị xã là trên 16.556. Nếu như 5 năm trước, số hội viên nữ là hộ nghèo chiếm 8% tổng số hội viên, thì đến nay số hội viên nữ là hộ nghèo giảm còn 82 hộ, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số hội viên.

Mô hình sản xuất hiệu quả của hội viên phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. 
Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 272.093 hội viên phụ nữ, trong đó dân tộc Khmer 78.707 người, dân tộc Hoa 8.933 người. Bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua, Hội có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nổi bật là Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025”, Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”… đã thu hút hơn 272.000 hội viên tham gia, trong đó có hơn 87.000 hội viên là dân tộc thiểu số.

Bà Trần Thị Thu Hằng thông tin thêm, các cấp Hội rà soát nắm danh sách phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo của địa phương để có kế hoạch hỗ trợ. Năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ trên 540 hộ nghèo và hộ cận nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như hỗ trợ vốn vay, tập huấn, mở lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…, trong đó có 69 phụ nữ khởi sự kinh doanh, với số tiền trên 4 tỷ đồng. Trong năm 2024 có 570 hội viên phụ nữ thoát nghèo, 1.151 hội viên phụ nữ thoát cận nghèo.

Chị Tăng Thị Hà, Hội viên phụ nữ xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) thoát nghèo từ mô hình trồng màu. 
Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng Trần Thị Thu Hằng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xã hội; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động Hội và các nhiệm vụ của địa phương... Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, làm tốt công tác phát hiện, biểu dương cách làm hay của tập thể, cá nhân phụ nữ; từng bước vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng./.

Tuấn Phi

Tin liên quan

Xem thêm