Các cấp Hội trong tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ 106 mô hình khởi nghiệp, 2.214 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 30/6/2017, các cấp Hội trong tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ 106 mô hình khởi nghiệp, 2.214 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị sơ kết Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức chiều 30/12.
Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre và Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939), Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 01, ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2023) của Chính phủ triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao quyền chủ động về kinh tế của phụ nữ, khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của phụ nữ. Trong đó, Đề án 939 có tác động tích cực trong việc khuyến khích phụ nữ vươn lên, phát triển kinh tế hiệu quả; nhiều nguồn lực được huy động hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, giúp phụ nữ có cơ hội phát triển kinh doanh theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, trong thực tế, hiện nay các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về: các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chưa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, còn gặp trở ngại do các yêu cầu về thủ tục hành chính, tài sản thế chấp, quy hoạch đất đai,… Số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp còn thấp, mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, nhưng việc chuyển đổi này vẫn gặp nhiều rào cản, nhất là về các thủ tục pháp lý phức tạp, cũng như gánh nặng về thuế…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh đã thông tin về nhiều giải pháp để tháo gỡ, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre; chính sách hướng dẫn chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; các mô hình, diễn đàn chia sẻ, giải đáp thắc mắc doanh nghiệp như "Cà phê doanh nghiệp", mạng lưới cố vấn khởi nghiệp cho các phụ nữ,…
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, xác định hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các cấp hội phụ nữ Bến Tre đổi mới nội dung đến hình thức tuyên truyền, vận động, các cấp Hội tập trung tuyên truyền vận động thành lập nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Hội phụ nữ hàng năm phát động hội viên phụ nữ tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", "Hội thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp" gắn với chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp"; tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chủ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre cũng cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện Đề án 939, các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ 106 mô hình khởi nghiệp, 2.214 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, khởi sự và phát triển 1.336 doanh nghiệp do nữ làm chủ; phát động, tổ chức trên 13 cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… Riêng năm 2024 đã vận động thành lập mới 2 hợp tác xã có nữ tham gia quản lý; vận động kiện toàn nhân sự đưa 1 hợp tác xã tái hoạt động trở lại, nâng tổng số hợp tác xã có nữ tham gia quản lý trong toàn tỉnh lên 26 hợp tác xã, với 2.832 thành viên, trong đó có 794 thành viên nữ; thành lập mới 31 tổ hợp tác, với 424 thành viên, lũy kế đến nay Bến Tre có 244 tổ hợp tác, với 3.839 thành viên.
Dịp này, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp tham gia hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã hiện có do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Đồng thời phối hợp hỗ trợ, tư vấn, xây dựng các hợp tác xã mới do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ và nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế tập thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và thực hiện bình đẳng giới./.
- Từ khóa:
- khởi nghiệp
- phụ nữ