Các lớp học xóa mù chữ không chỉ mang lại kiến thức mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Gia Lai đã mở hàng trăm lớp xóa mù chữ cho bà con.
Tại xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Trần Phú đang thu hút gần 40 học viên là người dân tộc thiểu số.
Bà Siu H’Phem (làng Mok Đen 2), 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất lớp chia sẻ, gần 30 năm trước, bà cũng được đi học nhưng phải nghỉ giữa chừng nên quên hết. Theo bà, do không biết viết, không biết tính toán khi mua bán nông sản nên cũng rất bất tiện. Nay được các thầy cô vận động, bà quyết tâm đi học để biết chữ, biết tính toán phục vụ đời sống.
Chị Rơ Mah H’Với (26 tuổi, ở làng Mok Đen 1) địu con đến lớp mỗi tối dù nhà cách trường gần 10km, với mong muốn biết chữ sau này có thể làm giấy tờ, ký tên và dạy con mình.
Ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, việc mở các lớp xóa mù chữ tạo cơ hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao dân trí. Có những gia đình cùng học tạo sự đoàn kết, động lực rất tích cực trong các làng. Chính quyền địa phương thuận tiện hơn trong trao đổi thông tin, các dự án đưa về thôn làng nhận được sự đồng thuận, đóng góp tích cực từ nhân dân.
Tại thành phố Pleiku, từ năm 2022 đến nay, thành phố mở 5 lớp xóa mù chữ cho gần 100 học viên ở các xã Gào, Biển Hồ, Chư Á và phường Chi Lăng. Điển hình, lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Lê Lai xã Chư Á có hơn 30 người dân làng Bông Phun và Mơ Nú tham gia. Lớp học diễn ra đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần.
Chị H'Then ( 30 tuổi, làng Mơ Nú, xã Chư Á) chia sẻ, lúc trước, khi chưa biết chữ, chị rất tự ti. Nay biết đọc, viết, chị rất vui mừng, phấn khởi, tự tin hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, các lớp xóa mù chữ giúp học viên biết đọc, viết, tính toán và tiếp cận kiến thức cần thiết để vận dụng vào cuộc sống lao động sản xuất. Sau khi học xong, bà con biết đọc, biết viết, từ đó có điều kiện chăm lo đời sống sinh hoạt gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chương trình xóa mù chữ tại tỉnh Gia Lai còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng Biên phòng. Theo khảo sát, có 70 người mù chữ tại cụm dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông. Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức hai lớp xóa mù chữ từ giữa năm 2023 cho người dân nơi đây.
Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp cho hay, dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng đã nỗ lực với mong muốn mang con chữ giúp bà con vùng dân tộc thiểu số tiếp cận tri thức, nâng cao đời sống.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, trên địa bàn có khoảng 60.000 người mù chữ trong độ tuổi 15-60, chiếm 5,6% dân số, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh mở 735 lớp xóa mù chữ cho gần 23.500 người, trong đó 15/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù mức độ 2.
Những ánh đèn nhỏ trong lớp học đang đều đặn sáng lên mỗi tối, thắp sáng ước mơ và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Với nỗ lực của các cấp chính quyền, giáo viên cùng sự hỗ trợ từ lực lượng Biên phòng, tỉnh Gia Lai đang hướng đến mục tiêu hoàn thành các chương trình xóa mù chữ một cách hiệu quả và bền vững.
Các lớp học xóa mù chữ không chỉ mang lại kiến thức mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Sự thay đổi tích cực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa của người dân mà còn củng cố niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.