Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những hoạt động ký kết, hợp tác mới với các đơn vị làm sách nước ngoài và xây dựng các bộ sách công nghệ, thiết thực với học sinh hơn.
Cung cấp các góc nhìn đa chiều và chính xác về công tác biên soạn, tổ chức tập huấn và phát hành sách giáo khoa phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là nội dung chính của tọa đàm “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy”. Tọa đàm do báo Hà Nội mới và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức, chiều 27/12.
Đề cập đến vai trò, đóng góp của các nhà xuất bản đối với sự thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương và nhiệm vụ lớn, không dễ hoàn thành. Trước đây, cả nước chỉ làm một bộ sách giáo khoa, nhưng khi xã hội hóa với nhiều bộ sách giáo khoa thì lượng công việc rất lớn. Lúc này, nhà xuất bản sẽ thực hiện hầu hết các công đoạn, như: Thẩm định, tổng hợp, biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành… Thêm vào đó, tiến độ đổi mới sách giáo khoa cũng nhanh, nếu không có các nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp cao, tiềm lực về mọi mặt thì không thể làm được các bộ sách giáo khoa xã hội hóa.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có 985 tác giả, trong đó có 224 tổng chủ biên và chủ biên. Trong số các tác giả này, có rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo được đào tạo bài bản. Ngoài ra, việc đầu tư sách giáo khoa cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Chia sẻ về giải pháp nhằm bảo đảm mọi học sinh được tiếp cận đủ, đúng thời gian và đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS. TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng các cuốn sách. Từ đầu hè năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tiết giảm chi phí, giảm giá tái bản sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Bộ Kết nối tri thức được giảm 9,6% giá bìa. Bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2% giá bìa. Việc giảm giá xấp xỉ 10% và trên 10% là tỷ lệ giảm giá rất lớn, khẳng định nỗ lực lớn của Nhà xuất bản và các đơn vị thành viên tham gia chuỗi biên tập thiết kế, chuỗi phát hành sách giáo khoa, chung tay vì quyền lợi của người tiêu dùng, vì an sinh xã hội.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng cho rằng, để tiếp cận gần hơn với thời kì công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những nhà làm sách giáo khoa có thể sản xuất nhiều sách công nghệ hơn để học sinh không phải mang vác những quyển sách nặng mỗi ngày đến trường. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những hoạt động ký kết, hợp tác mới với các đơn vị làm sách nước ngoài và xây dựng các bộ sách công nghệ, thiết thực với học sinh hơn.
Với góc độ người tiếp cận và sử dụng trực tiếp sách giáo khoa, cô Lê Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc sử dụng, khai thác sách giáo khoa hiệu quả là trăn trở của cả nhà xuất bản, nhà trường và giáo viên, bởi nó liên quan trực tiếp tới chất lượng học tập của học sinh. Mỗi thầy cô cần hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, tổ chức các hoạt động để các em khai thác, tìm hiểu nội dung trong sách tốt nhất, biến sách giáo khoa thực sự thành người bạn đồng hành trong quá trình tiếp nhận tri thức của mỗi em.
Còn cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) thì đánh giá, mỗi bộ sách giáo khoa đều có ưu điểm riêng. Để sử dụng bộ sách giáo khoa một cách hiệu quả, sự đồng hành của giáo viên rất cần thiết. Việc thiết kế hệ thống câu hỏi cần bám sát yêu cầu của chương trình phổ thông 2018.
Là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa, tài liệu giáo dục đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trong toàn quốc. Bằng kinh nghiệm, uy tín và năng lực, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần sách giáo khoa. Trong công tác biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật, là nhà xuất bản duy nhất thực hiện tất cả các khâu và biên soạn đầy đủ sách giáo khoa các lớp cho tất cả môn học và hoạt động giáo dục. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn nỗ lực khắc phục, sẵn sàng đồng hành cùng ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học./.