Đến nay, đã có 7 nhà xuất bản và 12 công ty tham gia biên soạn, liên kết biên soạn sách giáo khoa.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Thời gian qua, với sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, các chủ thể tham gia công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã hoàn thành tốt một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm.
Toàn ngành Giáo dục đã thực hiện nghiêm túc chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là hết sức đúng đắn. Đến nay, đã có 7 nhà xuất bản và 12 công ty tham gia biên soạn, liên kết biên soạn sách giáo khoa. Tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sỹ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả. Đặc biệt, lần đầu tiên việc biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông. Đây cũng là một cơ hội để nâng tầm đội ngũ giáo viên.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, lần đầu tiên có một quy trình thẩm định với các bước rất chặt chẽ, kỹ lưỡng và khoa học; được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, nhà chuyên môn qua mỗi lần thẩm định. Việc giao quyền tự chủ cho địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa nên các sách giáo khoa được lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là một việc mới, khó, thực hiện trên quy mô toàn quốc nên khó tránh khỏi những hạn chế. Trong đó, có một số hạn chế liên quan đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành và toàn xã hội…
Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới, các nhà xuất bản tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền, chức năng của mình; hết sức thận trọng trong vấn đề chỉnh sửa, hiệu đính; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai…
Với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu tiếp tục tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc đổi mới giáo dục nói chung, trong công tác biên soạn sách giáo khoa nói riêng. Các địa phương tập trung chỉ đạo công tác quản lý, dạy học bảo đảm chất lượng; tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các nhà xuất bản; tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong phê duyệt danh mục sách giáo khoa; tiếp tục tổ chức tốt việc lựa chọn sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, ban hành quy định về giá tối đa của sách giáo khoa theo Luật Giá. Bên cạnh đó, xây dựng, đề xuất Chính phủ và Quốc hội để có cơ chế in ấn, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh được biên soạn bằng ngân sách Nhà nước; tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản sách giáo khoa chữ nổi Braille và sách giáo khoa điện tử…
Báo cáo công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Công tác này thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo với tổng số 2.656 tác giả, gấp 3 lần số tác giả tham gia biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.
Việc biên soạn sách giáo khoa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa (kể cả các sách giáo khoa có nhu cầu và thị phần rất nhỏ trên thị trường). Môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa (Mỹ thuật lớp 10, 11, 12), môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa (Tiếng Anh Tiểu học), đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Các bản mẫu sách giáo khoa của cùng một môn học, lớp học được biên soạn với các cách tiếp cận khác nhau, sử dụng các dữ liệu phong phú, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh lựa chọn, tham khảo, đổi mới cách dạy và cách học.
Chỉ ra một số khó khăn trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa như trường quy mô nhỏ không đủ giáo viên một số môn học nên không bảo đảm thành phần Hội đồng lựa chọn sách; việc tổ chức nghiên cứu sách giáo khoa trong thời gian quá ngắn…, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định theo hướng giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng tại địa phương; có hướng dẫn việc lựa chọn lại sách giáo khoa…
Trao đổi về công tác phát hành sách giáo khoa ở một địa phương khó khăn về điều kiện kinh tế và đi lại, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: Sở đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ, hướng dẫn các trường trong lựa chọn sách giáo khoa, phối hợp tốt với các nhà cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cha mẹ học sinh. Với nhiều gia đình học sinh phải chờ chế độ hỗ trợ, chưa chủ động trong đăng ký sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cùng nhà trường bảo lãnh đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Đồng thời, Sở vận động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân quyên góp sách giáo khoa cho những khu vực đặc biệt khó khăn./.