Đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá sẽ kiểm soát được vấn đề tăng giá một cách bất hợp lý.
Để phân tích rõ hơn những tác động, hiệu quả của việc giảm giá sách giáo khoa cũng như vấn đề đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.
Sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan
*Phóng viên: Thưa bà, bà có nhận định gì về việc giảm giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản năm nay?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Đây là tín hiệu vui từ phía các nhà xuất bản, cho thấy các nhà xuất bản đã vào cuộc tích cực, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát chi phí đầu vào của các khâu biên soạn, in ấn, phát hành sách để giảm giá theo mong muốn của người dân. Qua hành động này cũng thể hiện các nhà xuất bản đã thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà có được sự giảm giá này. Đây là kết quả của một quá trình tác động chính sách từ phía Nhà nước.
Trong những năm qua, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề này và khi sửa đổi Luật Giá thì rõ ràng, việc định giá, đưa sách giáo khoa vào danh mục những mặt hàng được Nhà nước định giá đã thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc phải kiểm soát được giá sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc cần phải kiểm soát các chi phí in ấn, biên soạn sách giáo khoa và về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước cũng đã vào cuộc rất tích cực. Như vậy, từ các bên, Nhà nước, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các vai của mình để giảm giá sách giáo khoa.
*Phóng viên: Vậy mức giảm từ 9-12% theo bà có hợp lý hay không?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Nhận định 9-12% có hợp lý hay không là rất chủ quan. Bởi đứng ở nhiều góc độ khác nhau, mức độ hợp lý sẽ khác nhau. Về phía nhà xuất bản và các cơ quan phát hành, họ tính mức giá giảm hợp lý trên cơ sở phải tính đúng, tính đủ các khâu chi phí liên quan đến biên soạn, in ấn và phát hành. Còn về phía người tiêu dùng, mức giảm hợp lý lại phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Như vậy, mức độ hợp lý nhất là khi nào chi phí tính đúng, tính đủ của nhà xuất bản khớp với khả năng chi trả của người dân thì mức đó là hợp lý.
Giá sách giảm từ 9-12% thực ra không lớn, một bộ sách từ 300 nghìn đồng - 400 nghìn đồng nếu giảm 10% thì giảm được tầm 30 nghìn đồng - 40 nghìn đồng, tất nhiên tổng chung của cả xã hội là lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là giảm giá sách nhưng không được ảnh hưởng tới chất lượng của sách giáo khoa. Vì chất lượng mới là điều cần để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
*Phóng viên: Mặc dù giá sách giáo khoa năm nay đã giảm nhưng giá này vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa trước đây. Có ý kiến cho rằng, nếu sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa, miễn phí bản quyền biên soạn, giá sách sẽ giảm xuống. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Trước hết, việc so sánh giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn sách giáo khoa ngày trước là chưa hợp lý. Vì trước đây, sách giáo khoa được Nhà nước hỗ trợ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành. Hiện nay, thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thì phải tính đúng, tính đủ.
Đề cập câu chuyện, nếu sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa thì giá thành có giảm hay không, về mặt lý thuyết đương nhiên giảm vì khâu biên soạn là một trong những chi phí để tạo nên giá thành của sách giáo khoa. Nếu Nhà nước sử dụng ngân sách để biên soạn và không tính giá biên soạn vào giá thành thì đương nhiên giá sách giảm. Nhưng cũng lưu ý thêm, để làm nên 1 bộ sách giáo khoa, 1 cuốn sách giáo khoa thì không chỉ có khâu biên soạn mà còn rất nhiều chi phí khác. Nếu không có chi phí cho biên soạn nhưng không kiểm soát được các khâu còn lại, đặc biệt là các chi phí trung gian thì chưa hẳn bộ sách đấy sẽ giảm giá. Đó là chưa nói tới chuyện, nếu sách giáo khoa in với lượng ít thì giá thành sẽ cao, nhưng nếu được các nhà trường lựa chọn nhiều, in với số lượng lớn thì đương nhiên giá sẽ giảm. Do vậy, việc cho rằng, Nhà nước đứng ra làm một bộ sách giáo khoa sẽ điều chỉnh được giá cả thị trường thì tôi cho rằng, đó chỉ là một phần.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng
*Phóng viên: Vừa qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá năm 2023, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024 và sách giáo khoa được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo bà, việc này sẽ có những tác động, hiệu quả như thế nào đối với ngành Giáo dục, với các nhà xuất bản sách giáo khoa và với xã hội nói chung?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Sẽ quá sớm nếu bây giờ kết luận một cách vội vàng các kết quả cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, chúng ta có thể hình dung được một số tác động có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Trước hết, đối với ngành Giáo dục, khi thực hiện trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Giá sửa đổi, đó là định giá trần sách giáo khoa thì đây là điều kiện để các nhà xuất bản tự tính giá thành nhưng phải trong khuôn khổ giá trần này. Việc này sẽ kiểm soát được vấn đề tăng giá một cách bất hợp lý. Ngành Giáo dục cũng có lợi hơn nữa là trước thềm mỗi năm học mới, các nhà quản lý giáo dục sẽ không quá đau đầu với áp lực từ phía dư luận xã hội băn khoăn về giá sách giáo khoa.
Về phía các nhà xuất bản, nếu thực hiện một cách nghiêm túc đúng tinh thần của Luật Giá và các quy định của luật pháp thì các nhà xuất bản cũng sẽ không thiệt. Thực hiện định giá là một cách để các nhà xuất bản cạnh tranh bình đẳng. Vấn đề ở đây là nhà xuất bản phải kiểm soát được các chi phí đầu vào để tiết giảm được các khâu trung gian không cần thiết và đảm bảo chất lượng tốt nhất của các bộ sách để các cơ sở giáo dục lựa chọn nhiều, từ đó có số lượng in lớn sẽ giúp giảm giá thành.
Về phía người tiêu dùng, việc định giá đương nhiên có lợi vì sẽ không phải mua các bộ sách, cuốn sách giáo khoa có giá quá cao, đây chính là mong muốn của cử tri và người dân cả nước thời gian qua. Đôi khi người dân không băn khoăn quá nhiều vào việc giá thành cao hay thấp mà vấn đề là phải minh bạch trong thị trường làm sách giáo khoa để quyền lợi của người dân và nhà xuất bản hài hòa.
*Phóng viên: Giảm giá sách giáo khoa là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, điều mà phụ huynh hiện nay quan tâm hơn là làm sao để giảm được cả số đầu sách trong một bộ sách. Bởi thực tế, ở nhiều trường, số sách tham khảo, bài tập mà học sinh phải mua rất nhiều, trong đó có những cuốn ít dùng đến, thậm chí là không dùng. Quan điểm của bà về việc này như thế nào?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cũng đang tiếp cận vấn đề sách giáo khoa theo hướng này nhiều hơn. Bởi vì, một bộ sách giáo khoa nếu chỉ tính đúng trên đầu sách giáo khoa thì giá không quá cao, từ 200 nghìn - 300 nghìn đồng/bộ. Nhưng tại sao dư luận vẫn “dậy sóng” trước thềm mỗi năm học mới? Bởi vì thông tin về những bộ sách giáo khoa 500 nghìn đồng - 800 nghìn đồng hay hàng triệu đồng, đi kèm với sách giáo khoa là các cuốn sách tham khảo hoặc những loại sách mà học sinh mua về nhưng không dùng, tính lãng phí rất lớn.
Chúng tôi đi giám sát cũng thấy học sinh phản ánh có bộ sách mua từ đầu năm học nhưng cả năm có quyển không động đến. Nếu bộ sách này mua qua nhà trường thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Khi nhà trường đưa một danh mục sách giáo khoa lẫn với sách tham khảo, sách bài tập mà “ép” học sinh mua thì đương nhiên nhà trường sai. Nhưng nếu sách giáo khoa mà do phụ huynh mua ở các nhà sách nhưng không nghiên cứu kỹ, mua về cho con em mình các loại sách không sử dụng đến thì lỗi đấy lại thuộc về phụ huynh.
Năm 2022, trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một văn bản liên quan đến vấn đề sử dụng sách giáo khoa và các sách tham khảo trong nhà trường, có nghiêm cấm việc các nhà trường giới thiệu không minh bạch sách giáo khoa với các loại sách khác. Động thái của cơ quan nhà nước về việc này đã rõ, điều quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục để nhà trường phải có trách nhiệm kiểm soát vấn đề này. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong lĩnh vực giáo dục cũng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, nắm thông tin. Nếu phát hiện sai phạm thì phải can thiệp sớm.
Về phía các cơ quan có chức năng giám sát như các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hội phụ huynh và các bậc phụ huynh cũng phải phát huy vai trò giám sát để vào cuộc đồng bộ, để sách giáo khoa phải đúng là sách giáo khoa. Nếu chúng ta làm tốt tất cả các khâu thì có lẽ, câu chuyện giá sách giáo khoa không còn là vấn đề nóng trước thềm mỗi năm học mới.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà./.