An toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn, không đảm bảo chất lượng.
Trước thềm năm học mới, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, vấn đề được nhiều phụ huynh và xã hội quan tâm là chất lượng bữa ăn học đường. Năm học 2023-2024, không ít vụ việc liên quan đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã xảy ra tại một số trường học trên cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, gây mất niềm tin từ phụ huynh. Điều này đặt ra vấn đề cần tăng cường giám sát và phát huy vai trò của các bên liên quan trong quá trình lựa chọn, quản lý các đơn vị cung cấp bữa ăn trong trường học.
* Băn khoăn chất lượng bữa ăn học đường
Khẳng định vai trò quan trọng của bữa ăn học đường đối với trẻ đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và Tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hàng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quyết định hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở năm 2022, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại các trường học được cải thiện. Nhiều trường đã thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm, có ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.
Tuy nhiên, trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn “lèo tèo”, không đảm bảo chất lượng.
Băn khoăn về uy tín của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp bữa ăn trong trường học, chị Hoàng Thị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 3 chia sẻ: Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu để phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo như vậy. Phụ huynh không biết đơn vị đó như thế nào, năng lực ra sao.
Có chung trăn trở này, chị Phùng Ngọc Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, bữa ăn của các học sinh là do phụ huynh trả tiền, nhưng phụ huynh chỉ được biết đơn vị cung cấp suất ăn qua thông báo của nhà trường chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp. “Ngay trong bữa cơm hàng ngày của gia đình, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, tươi ngon cũng không phải là điều dễ dàng, vì thế ,việc cung cấp suất ăn cho hàng nghìn học sinh ở trường học càng khó hơn. Nỗi lo này không chỉ riêng tôi mà của chung rất nhiều phụ huynh khác. Trong năm học mới, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn của con cũng như tiêu chí chọn nhà cung cấp suất ăn của trường” – chị Liên chia sẻ.
Trên thực tế, đã có trường hợp phụ huynh chuyển trường cho con vì bữa ăn học đường không đảm bảo. “Trẻ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Năm nay, tôi đã quyết định chuyển trường cho con vì nhận thấy bữa ăn của các con ở trường năm qua không đảm bảo” – chị Nguyễn Thu Hằng, một phụ huynh tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết. Phụ huynh này bày tỏ mong muốn, các phụ huynh được trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con.
* Lựa chọn nhà cung cấp dựa trên năng lực thực tế
Trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục cùng các bên liên quan từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho nhà trường.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Để nâng cao chất lượng bữa ăn trường học, trước hết cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn. Các tiêu chí lựa chọn cần được thiết lập rõ ràng, minh bạch, dựa trên năng lực thực tế của đơn vị cung cấp. Nhà trường cần công khai thông tin về đơn vị cung cấp suất ăn, bao gồm nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến và các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm. Phụ huynh cần có quyền tiếp cận và tham gia vào quá trình giám sát này,
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các đơn vị cung cấp suất ăn. Các doanh nghiệp cần có trách nhiệm và cam kết về chất lượng thực phẩm mình cung cấp. Đặc biệt, cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của học sinh.
Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Vân Anh (Ba Đình, Hà Nội) phân tích, trong chuỗi đảm bảo bữa ăn học đường an toàn, dinh dưỡng, Hội phụ huynh học sinh sẽ phải là thành viên sát sao nhất. Hội phụ huynh có thể cử luân phiên theo từng nhóm để giám sát, kiểm tra chất lượng bữa ăn theo bảng kiểm. Sau khi nhận đủ, kiểm tra đạt số lượng và chất lượng thực phẩm sẽ đến khâu chế biến. Khi đưa suất ăn đến trẻ, thậm chí cha mẹ có thể ngồi ăn cùng.
Hiện nay, các trường học thường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn thông qua các tiêu chí nhất định, nhiều khi chỉ kiểm tra “trên giấy”, theo dạng “hồ sơ chào hàng” và đương nhiên, hồ sơ của các công ty đều đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản, đáp ứng yêu cầu. Một số trường hợp, doanh nghiệp chỉ cần nộp đủ hồ sơ là có thể được xét duyệt mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng về năng lực thực tế. Do vậy, chất lượng bữa ăn của học sinh như thế nào phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, lương tâm của đơn vị cung cấp và khâu giám sát của nhà trường.
Anh Nguyễn Xuân Bách (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Các trường thường không có thông tin rõ ràng về số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ cung cấp dịch vụ hay tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp. Do đó, việc lựa chọn còn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường. Các phụ huynh không được tham gia trực tiếp cùng với ban phụ huynh và nhà trường để thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn; không được trực tiếp giám sát công tác nhận thực phẩm và chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Vì vậy, bước sang năm học mới, anh Bách mong muốn có sự minh bạch hơn trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, để đảm bảo rằng, con em mình được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng./.