Giải thưởng ghi nhận, tôn vinh những cán bộ công đoàn có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho hoạt động công đoàn trong các cơ sở giáo dục, trường học trên cả nước.
Ngày 19/7, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao "Giải thưởng 22/7 – Công đoàn Giáo dục Việt Nam" lần thứ hai, năm 2024 cho 22 cán bộ công đoàn xuất sắc. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, 73 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951-22/7/2024).
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Giải thưởng nhằm tạo dấu ấn đậm nét cho truyền thống hình thành và phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tên gọi 22/7 để ghi nhớ một dấu mốc lịch sử cho những người làm trong ngành Giáo dục bởi sự ra đời của tổ chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951).
Việc trao Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh những cán bộ công đoàn có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho hoạt động công đoàn trong các cơ sở giáo dục, trường học trên cả nước. Đồng thời, là sự động viên rất lớn với những nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn của cán bộ công đoàn trong quá trình chỉ đạo, tổ chức hoạt động ở cơ sở và đóng góp xây dựng tập thể người lao động đoàn kết, xây dựng đơn vị, trường học ổn định, phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ: Mỗi kỳ trao giải thưởng là một lần các cán bộ công đoàn trong ngành Giáo dục được hội ngộ, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn nói chung và tổ chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói riêng.
Năm 2024, Giải thưởng 22/7 được trao cho 22 cán bộ công đoàn xuất sắc. Họ là những nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ kiêm nhiệm làm công tác công đoàn ở các công đoàn cơ sở trường học từ phổ thông đến đại học; đại diện cho hàng ngàn cán bộ công đoàn đang nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác công đoàn tại các cơ sở giáo dục, trường học.
Là một cán bộ công đoàn chủ chốt, ông Trần Ngọc Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn, Phó Chánh Văn phòng Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tích cực trong “chuyển đổi số” để phục vụ công tác thi đua của công đoàn, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp tư liệu, chuẩn hóa văn bản, dữ liệu hóa các cá nhân, hệ thống được bộ công cụ đánh giá và thống kê. Qua đó đã mang lại hiệu quả cao cho các hoạt động thi đua của tổ chức công đoàn, giúp tăng năng suất lao động và phát huy tinh thần dân chủ, tích cực, sáng tạo của mỗi đoàn viên, cán bộ, nhà giáo trong thời kỳ số hóa.
Sáng kiến của ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng khoa Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã đề xuất và đưa vào ứng dụng thành công “app đăng ký ăn trưa tại trường” với mức hỗ trợ phù hợp của công đoàn và nhà trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp về giá cả, chất lượng với đoàn viên. Việc làm đó đã được đông đảo viên chức, người lao động ủng hộ và tham gia; khẳng định vai trò của công đoàn trong công tác chăm lo thiết thực, hiệu quả cho cán bộ, giảng viên, người lao động.
Bà Lưu Thị Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Hoa Thủy Tiên là một cán bộ quản lý với nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục mầm non và hoạt động công đoàn. Bà đã thể hiện sự sáng tạo, đổi mới khi chủ động đề xuất các giải pháp giúp công đoàn “tham gia xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong nhà trường”, góp phần xây dựng các quy tắc ứng xử chuẩn mực…
Trong bối cảnh đổi mới của ngành Giáo dục và sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống công đoàn các cấp, nhiều yêu cầu mới và thử thách chưa từng có tiền lệ đang đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động cũng như tổ chức công đoàn ngành. Với khả năng sẵn sàng linh hoạt, mỗi cán bộ đến từ các tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã luôn trong tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm và sáng tạo để nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn./.