Giáo dục

Bài học kinh nghiệm thu hút, sử dụng người tài nhìn từ lịch sử

Thừa Thiên Huế

Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lâu đời về tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng người tài; chính sách trọng dụng nhân tài trở thành một nhiệm vụ chính trị mà bất cứ Chính phủ hay nhà cầm quyền nào đều cần phải lưu tâm.


Quang cảnh tại hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Ngày 11/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra”.

Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và các trường Đại học, Bảo tàng Lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế…

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, đồng thời thảo luận làm sáng tỏ vai trò, đóng góp của người tài trong sự phát triển của đất nước; kinh nghiệm đào tạo, sử dụng, trọng dụng người tài trong lịch sử vận dụng vào công tác cán bộ hiện nay; khuyến nghị các chính sách thu hút người tài và bài học kinh nghiệm, vấn đề cần giải quyết.

Tiến sĩ Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Theo Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhân tài có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lâu đời về tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng người tài. Chính sách trọng dụng nhân tài trở thành một nhiệm vụ chính trị mà bất cứ Chính phủ hay nhà cầm quyền nào đều cần phải lưu tâm. Dưới thời nhà Nguyễn, các vua đều rất quan tâm đến đào tạo tuyển chọn, nhân tài. Kể từ thời vua Minh Mạng (1820), việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài ngày càng được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Tất cả đều nhằm tuyển chọn thêm người tài bổ sung cho bộ máy quản lý đất nước.

Thời gian qua, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút người tài. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa khu vực công và khu vực tư, việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn từ quyết sách sử dụng nhân tài của Nguyễn Huệ - Quang Trung, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, Nguyễn Huệ - Quang Trung là thiên tài quân sự, hoàng đế anh minh, người có công trong công cuộc xóa bỏ Đàng Trong - Đàng Ngoài, cơ sở để tái lập nền thống nhất trong nước, phục hồi văn hóa dân tộc trên phạm vi cả nước. Có được sự nghiệp hiển hách này là nhờ khả năng quy tụ nhân tài và bí quyết dùng người trong quá trình xây dựng phong trào Tây Sơn cho đến lúc thành lập triều đại Quang Trung tại Phú Xuân.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trình bày tham luận tại hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Nghiên cứu các chính sách giáo dục đào tạo người tài của triều Nguyễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) kiến nghị, cần đề cao, trân trọng người có thực học, thực tài; mạnh dạn sử dụng người trẻ có bằng cấp được đào tạo bài bản, chính quy, đặc biệt là nguồn đào tạo từ nước ngoài. Song song đó, phải thường xuyên đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, thành tựu, kiến thức của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tùy theo lứa tuổi để định hướng giữa “chuyên” và “hồng” hợp lý, tăng cường “chuyên” hơn “hồng”; chú ý sự cân bằng giữa giáo dục phổ thông và chuyên sâu của các bậc học, đào tạo kiến thức phổ thông và đào tạo ngành nghề…

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cả về môi trường và phương tiện để đội ngũ trí thức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ, sáng tạo khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nguồn nhân lực có trí thức và năng lực làm việc; đẩy mạnh xây dựng đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời bồi dưỡng tiềm lực khoa học./.

Mai Huyền Trang

Tin liên quan

Xem thêm