Giáo dục

Triển khai học bạ số: Đảm bảo quản lý an toàn, không phát sinh chi phí

Nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực thực hiện thí điểm ở 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị.
Ảnh: Bộ GD&ĐT

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm học bạ số cấp Tiểu học.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương, kịp thời triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Trong quá trình triển khai, Bộ đặt ra yêu cầu thực hiện với 50% số cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực thực hiện thí điểm ở 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đây là nội dung khó, phức tạp và có tác động lớn, vì vậy việc triển khai cần hết sức thận trọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra, chỉ đạo quyết liệt nhưng kỹ lưỡng. Trong đó, việc đánh giá kết quả cần căn cứ theo mục đích yêu cầu của kế hoạch cũng như triển khai trên thực tế ở các địa phương, xem xét ở các phương diện, với những thuận lợi, khó khăn, bất cập.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp Trung học và Giáo dục thường xuyên. Thứ trưởng lưu ý lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp khi triển khai thí điểm ở cấp Tiểu học để áp dụng vào thí điểm cấp Trung học, Giáo dục thường xuyên trên tinh thần sử dụng, quản lý an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại. Các địa phương phải bám sát kế hoạch, gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai; trong đó, sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đóng vai trò quan trọng.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, quá trình thí điểm học bạ số đến nay đã đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, làm cơ sở triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Việc đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hệ thống học bạ số tại cơ sở giáo dục không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chi phí tốn kém. Việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật vận hành cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý đơn giản, thuận lợi.

Quá trình thí điểm học bạ số đã cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp Tiểu học. Cụ thể, tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số; kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành. Kết quả thí điểm học bạ số cho thấy khả năng đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu và nội dung thí điểm.

Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ, Ban Cơ yếu Chính phủ xác định phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp chữ ký số triển khai học bạ số là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên. Đến nay, Ban cơ yếu Chính phủ đã cấp 270.000 chữ ký số cho giáo viên; đồng thời thiết lập các kênh thông tin để lắng nghe những phản hồi, kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thiện hệ thống triển khai./.


Việt Hà

Xem thêm