Chính phủ hành động

Phú Thọ: Nhiều giải pháp tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

Phú Thọ

Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã triển khai quyết liệt các giai pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ông Phan Trọng Tấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Phú Thọ vươn lên xếp thứ 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm 2023 tại cuộc họp của Ban thường vụ Tỉnh ủy ngày 23/6.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, tuy nhiên 6 tháng đầu năm tỉnh Phú Thọ vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt 7,22%, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc, thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 10,87%, riêng công nghiệp đạt 10,11% trong top 10 tỉnh, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng cao; có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt 50% dự toán HĐND tỉnh giao. Các dự án đầu tư công cơ bản đảm bảo tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giai pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh thu hút đầu tư mới và mở rộng 102 dự án. Tỉnh cũng đã hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đang hoàn thiện hồ sơ đối với đồ án quy hoạch chung thành phố Việt Trì.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã huy động vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 4.503 tỷ đồng, đã phân bổ 4.221,6 tỷ đồng (đạt 93,7% so với kế hoạch) cho 342 dự án, công trình đảm bảo yêu cầu, mục tiêu. Tính đến ngày 31/5/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37% kế hoạch vốn đã giao (cao hơn trung bình chung cả nước).

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết, xử lý các vấn đề về đất đai, đấu giá đất được tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ điểm nghẽn, ngày càng có sự chuyển biến rõ nét. 6 tháng đầu năm đã bàn giao trên 150ha đất sạch; tạo điều kiện sớm hoàn thành và khởi công một số dự án.

Các hoạt động văn hóa - xã hội được tăng cường, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Kết quả xếp hạng 4 chỉ số: Par Index, PCI, SIPAS, PAPI năm 2022 cơ bản được duy trì. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo đà hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện khâu đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, rà soát lại tất cả các dự án Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương đầu tư, xem xét, đánh giá khả năng thực hiện các dự án để có những điều chỉnh phù hợp. Cùng đó, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư trong nước, trong tỉnh. Đối với các dự án chủ đầu tư là các sở, ngành thực hiện tại các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác phối hợp, nếu địa phương nào gây khó khăn lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm…

Liên quan đến công tác quản lý đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ hoạt động giao đất, đấu giá đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định, kiên quyết xử lý các sai phạm nếu có.

Đồng thời, rà soát các cơ sở nhà đất đã bàn giao từ việc tách, sáp nhập các địa phương để có phương án xử lý hiệu quả nhất. Về lĩnh vực an ninh quốc phòng, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Công an tỉnh bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng, nếu phát hiện có các đối tượng là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nhóm không chính thống, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời…

Với những giải pháp đưa ra, tỉnh Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu từ 7,5% trở lên; đưa tổng sản phẩm bình quân đầu người đến đạt từ 63 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 43,5 nghìn tỷ đồng trở lên, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.109 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 19,6% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 71% trở lên và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5% trở lên./.

PV

Xem thêm